Từ "nghệ thuật chung sống" nghĩ về "bình thường mới" của mẹ
#MV33 - Những chiêm nghiệm của Dương sau khóa tập huấn Art of Hosting
Cuối tuần vừa rồi, Dương có cơ hội tham gia khóa tập huấn về “Nghệ thuật chủ trì và thu hoạch những cuộc trò chuyện có ý nghĩa” (Gọi tắt là Art of Hosting). Chủ đề của khóa tập huấn năm nay là về “Làm thế nào để tìm lại và nuôi dưỡng nghệ thuật chung sống?”. 4 ngày đắm mình trong không gian cởi mở và nâng đỡ của vòng tròn lớn gần 100 người; tham gia liên tục các cuộc trò chuyện sâu trong những vòng tròn nhỏ hơn; tôi được trải nghiệm thực sự những giá trị tinh thần cốt lõi của Art of hosting và có những góc nhìn đa chiều về chủ đề chung sống.
“Cách nhanh nhất để mọi người kết nối với nhau là thông qua những câu chuyện”. Phía sau những cuộc đối thoại có ý nghĩa hàm chứa rất nhiều điều cốt lõi và giá trị chờ ta khám phá.
Bản tin số này là những chiêm nghiệm của tôi, đúc kết từ những quan sát, trải nghiệm khi tham gia khóa học dưới góc nhìn của một người mẹ và một người hỗ trợ cho những người mẹ khác trong giai đoạn tái định vị bản thân khi làm mẹ. Mời các bạn cùng đọc nhé!
1. Đón nhận bình thường mới khi làm mẹ
Ấn tượng đầu tiên của tôi trong khóa học lại là hình ảnh một anh bạn người nước ngoài, vừa chủ trì các hoạt động chào mừng (check-in) cho vòng tròn lớn gần 100 người, vừa bế trên tay con gái nhỏ 8 tuần tuổi đang say ngủ, vợ anh ngồi bên cạnh. Quan sát cách anh bạn làm điều đó, tôi không cảm thấy bất cứ sự gồng cứng hay gượng ép nào mà hết sức tự nhiên, như thể đó không phải là một điều gì khác thường cần thông báo hay cần chứng tỏ với ai khác; mà là một phần hiển nhiên trong bình thường mới của anh ấy. Những ngày sau tôi hiểu thêm rằng, phía sau lựa chọn đó còn là niềm tin rằng cả anh ấy và em bé đều là một phần của vòng tròn, sẽ nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ của mọi người trong cộng đồng. Và sự thật đúng là như vậy!
Tâm thế “đón nhận bình thường mới khi làm cha mẹ” này là điều tôi từng phải loay hoay một thời gian khá lâu mới có được. Khi sinh bé thứ 2, dù đã làm việc tự do nhưng tôi khá chật vật trong việc sắp xếp thời gian để quay trở lại với công việc khai vấn. Hẹn lịch với khách hàng rồi lại hủy, đang coach với khách hàng cũng phải dừng vì con cần mẹ. Tôi khó chịu với con thì ít mà trách móc bản thân thì nhiều.
Tôi mang những tâm tư đó để được coach bởi một người Coach khác. Kịch bản cũng không khác gì: lùi lịch vài bận, con thức giấc mấy lần, cuối cùng tôi xin phép vừa bế con vừa trò chuyện… Nhưng điều khác biệt là ngày hôm đó, Coach của tôi đón nhận điều ấy một cách vui vẻ, cởi mở kết nối với em bé của tôi, và ghi nhận tôi “Chị thấy em vừa chăm con nhưng cũng vừa hiện diện và quan sát bản thân mình rất sâu.” Khoảnh khắc ấy khiến trong tôi nhẹ nhõm và bừng sáng. Tôi nhận ra, con là một phần không thể tách rời trong thực tại của tôi. Tôi hoàn toàn có khả năng làm những gì mình muốn cùng với con, chỉ cần tôi thực sự hiện diện trong mỗi việc mình làm. Với tâm thế đó, mọi thứ dần đi vào quỹ đạo. Tôi vừa chăm sóc bản thân bằng việc tập yoga phục hồi vừa vui vẻ để con ngồi cạnh tập cùng. Tôi vẫn rất cẩn thận sắp xếp thời gian và không gian để hiện diện với khách hàng, nhưng cũng thoải mái hơn với sự xuất hiện bất ngờ của con, và các khách hàng của tôi cũng sẵn sàng đón nhận. Điều đó thực sự rất tuyệt!
Là một chuyên gia khai vấn cho những người mẹ (Mother Well-being Coach), tôi có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người mẹ mới. Có những người mẹ bước vào buổi trò chuyện với tôi khi còn đang lỉnh kỉnh đồ nghề hút sữa mà con đã thức giấc và khóc đòi mẹ. Có những người mẹ dù đã cẩn thận chuẩn bị đủ loại đồ chơi cho con; nhờ người nhà trông con để có chút thời gian trò chuyện; nhưng rồi chỉ sau chốc lát con lại vào tìm mẹ… Đó không phải là những điều kiện hoàn hảo cho một cuộc trò chuyện khai vấn, nhưng lại là những điều rất đời, rất thật trong ‘bình thường mới” của những người mẹ. Từ trải nghiệm của bản thân, tôi luôn hiện diện ở đó, giữ không gian cho các mẹ với sự đồng cảm, kiên nhẫn, chân thành và nâng đỡ; cùng niềm tin chính họ sẽ bước qua Khi người mẹ an ổn với bản thân, đón nhận “bình thường mới” của mình và bước tiếp, trật tự mới sẽ dần được thiết lập.
2. Chăm sóc bản thân, can đảm và ranh giới
Một trong những nền tảng của Arf of Hosting là Thực hành 4 nếp. 4 nếp này bao gồm: Chăm sóc bản thân, Nhận sự chăm sóc, Chăm sóc người khác và Chăm sóc nhau - Đồng kiến tạo. 4 nếp này xếp chồng lên nhau, không cố định hay tách biệt.
Thực hành 4 nếp không chỉ là DNA của Art of Hosting, mà còn là thực hành giúp ta có được sự làm chủ trong nhiều khía cạnh cuộc sống. Đôi lúc chúng ta sẽ cần chú ý đến 1 nếp hơn các nếp khác. Trong những cuộc thảo luận về “nghệ thuật chung sống”, phần lớn mọi người đều nhận thấy nếp đầu tiên - chăm sóc bản thân cần được chú trọng và thực hành thường xuyên. Trong những ngày diễn ra tập huấn, tôi đã thấy tinh thần đó được thể hiện một cách sống động và chân thực.
Người bố phía trên chia sẻ với tất cả mọi người vòng tròn về việc em bé của mình mới 8 tuần tuổi, lần đầu tiên sang Việt Nam và hệ miễn dịch còn đang phát triển. Anh mong mọi người sẽ không chạm vào tay và hôn em bé, để bảo vệ em bé và bảo vệ chính mình.
Một bạn trai trẻ tuổi chọn nói tiếng Việt khi mọi người trong vòng tròn đang nói tiếng Anh (vì có một người bạn nước ngoài). Bạn đã nhờ người ngồi cạnh dịch lại tiếng Anh cho người bạn nước ngoài, vì cảm thấy dùng tiếng Việt sẽ diễn tả được trọn vẹn những cảm xúc bên trong mình.
Những lựa chọn “nói ra” những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại đầy can đảm ấy đã góp phần tạo nên một không gian chung cởi mở và nâng đỡ cho cả vòng tròn.
Làm mẹ chính là một trải nghiệm “chung sống” sinh động và sâu sắc. Để mỗi người mẹ mới có thể chăm sóc cho con; đón nhận sự chăm sóc của những người trong mạng lưới hỗ trợ của mình (chồng, gia đình, bè bạn, hàng xóm hay cộng đồng những người mẹ khác…); và cùng với nhau kiến tạo một môi trường nuôi dưỡng tốt đẹp cho sự phát triển của đứa trẻ cũng như những người chăm sóc trẻ; điều quan trọng cũng chính là chăm sóc bản thân. Chăm sóc bản thân là nuôi dưỡng cho sự hiện diện của mình trong mọi hoàn cảnh. Hiện diện có nghĩa là có mặt với sự sẵn sàng và không vướng bận gì, hiểu rõ nhu cầu và sự đóng góp của bản thân. Hiện diện cũng là sự chú tâm tới môi trường và mọi người xung quanh, những gì tác động lên bạn và ảnh hưởng của bạn tới người khác.
Khi bạn hiện diện với chính mình, với những cảm xúc đang nổi lên, những nhu cầu đang cần được chăm sóc - không né tránh, không đè nén, không phán xét…; bạn sẽ có sự can đảm để yêu cầu trợ giúp và tạo ra những ranh giới để bảo vệ chính mình (và người khác).
Có nhiều cách khác nhau để chăm sóc bản thân: viết nhật ký, ngồi thiền, tập thở, đi bộ, tập yoga, trò chuyện với một người bạn tin tưởng… Bạn có thể lựa chọn bất cứ thực hành nào phù hợp, làm nó thường xuyên để tìm lại sự cân bằng và nhận thức rõ hơn về bản thân. Chăm sóc bản thân không phải là ích kỷ, đặt mình lên trước. Nó là việc quan trọng cần thực hành song song với những trách nhiệm và vai trò khác khi làm mẹ. Nhờ đó, bạn có làm mẹ tốt hơn, hiện diện và tận hưởng hành trình làm mẹ của mình nhiều hơn.
3. Rên rỉ hay bền bỉ
Mô hình thực hành xuyên suốt khác của Art of Hosting là mô hình hơi thở. Đây là một ẩn dụ cho đặc thù trong các tiến trình hội thoại có sự chủ trì. Có 3 giai đoạn được miêu tả trong tiến trình này:
Khai mở - hơi thở vào: Đây là giai đoạn mà những góc nhìn đa chiều, những ẩn ý, câu chuyện, ý kiến, cảm xúc đa dạng được mời gọi và chào đón.
Khởi sinh - giữ hơi thở: Nếu như giai đoạn khai mở mang đến rất nhiều dữ liệu để nhìn nhận và chiêm nghiệm thì giai đoạn khởi sinh sẽ là giai đoạn “phép màu” xuất hiện – nơi những ý tưởng đa dạng kết nối và tiến tới hợp nhất. Một trật tự mới được hình thành.
Giai đoạn này đầy khó chịu và đau đớn, nên còn được gọi là “Vùng rên rỉ”, nhưng cũng có lúc lại là “Vùng bền bỉ” – để nhắc chúng ta rằng mình đang ở đâu, trấn an bản thân rằng mọi thứ vẫn ổn. Một khi chúng ta giữ được sự hiện diện (self-host) và bền bỉ bước qua sự khó chịu này, những khả năng mới sẽ dần lộ diện.
Hội tụ - hơi thở ra: Đây là giai đoạn khi các lựa chọn được cân nhắc và đạt được những kết luận chung.
Mang thai và sinh con có thể được coi như một sự khai mở với mỗi người mẹ, mang đến vô vàn những trải nghiệm mới, cảm xúc mới, nhận thức mới… Nhưng tôi muốn nói nhiều hơn tới giai đoạn sau sinh hay còn gọi là Tam cá nguyệt thứ 4 – nó mang đầy đủ tính chất của sự khởi sinh. Hỗn độn, mơ hồ, chơi vơi khi “con người cũ” mình từng biết đã không còn mà “con người mới” vẫn chưa kịp sinh ra. Chúng ta có thể thấy bế tắc, ngột ngạt và chỉ muốn đi thật nhanh tới giải pháp.
Việc tạo ra đủ không gian và thời gian là tối quan trọng đối với thành công của giai đoạn này, với niềm tin rằng khi bước khởi sinh được nuôi dưỡng đủ, những giai đoạn sau sẽ diễn tiến nhanh chóng đến không ngờ. Để giai đoạn khởi sinh này trở thành “vùng bền bỉ” chứ không phải “vùng rên rỉ”, cần mời gọi sự kiên nhẫn, bao dung với bản thân; và niềm tin rằng giai đoạn này sẽ không kéo dài mãi. Các trật tự mới sẽ dần được thiết lập tạo nên trạng thái “bình thường mới” (new normal) & cả nhân dạng mới (new identity) của người mẹ.
Tạo ra đủ không gian và thời gian nghĩa là như thế nào? Đó có thể là:
Một khoảng không gian vật lý riêng tư để bạn thoải mái là chính mình
Những khoảng thời gian chất lượng dành riêng cho bản thân
Một cộng đồng nho nhỏ những người mang lại cho bạn cảm giác an toàn, giúp bạn cảm thấy được lắng nghe trọn vẹn và dễ dàng chia sẻ mà không sợ bị phán xét
Những cuộc trò chuyện cởi mở và tôn trọng, nơi bạn được là chính mình, và được soi chiếu để nhìn thấy ánh sáng trong bản thân và những người xung quanh.
Tạm kết
Có lẽ những người mẹ mới đều từng trải qua cảm giác đánh mất chính mình trong những ngày tháng sau sinh. Chúng ta, những người mẹ không cần phải chờ tới khi con lớn, 1 năm, 2 năm… mới bắt đầu đi tìm lại mình. Khi chúng ta nhận thức về trạng thái của bản thân và đón nhận chính mình ở hiện tại, bạn sẽ có cơ hội khám phá và kiến tạo một phiên bản rực rỡ hơn cho chính mình.
Có một hình ảnh rất đẹp trong thiên nhiên thể hiện điều này: hồng hạc mẹ sau khi sinh con sẽ mất đi sắc hồng trên bộ lông của mình, chỉ đến khi hồng hạc con đủ lớn để tự kiếm ăn, sắc hồng mới dần trở lại với hồng hạc mẹ. Đó chính là lí do tôi cùng cộng sự đã lựa chọn “Get my pink back – lấy lại sắc hồng của tôi” là thông điệp xuyên suốt cho các hoạt động của Cộng đồng Mom Village - Nuôi dưỡng người mẹ mới trong năm 2024.
Nếu bạn đang có mong muốn tìm lại chính mình khi làm mẹ, hoặc chung tay nuôi dưỡng những người mẹ mới trong giai đoạn đặc biệt này, hãy ghé thăm Mom Village và cùng “get our pink back” nhé!
(*) Nguồn tham khảo:
Cẩm nang đồng hành Chương trình tập huấn Art of hosting 2024
Bản tin
Cảm ơn Dương vì một bài viết rất sâu và rõ ràng. Tớ đã đọc tới cuối và cảm nhận hơi thở, sự hiện diện trong từng câu chữ