Sự thật không ai kể về làm mẹ - “Tôi dường như đánh mất chính mình”
... và những sự thật phía sau sự thật - #MV34
“Đôi khi em ước được quay lại cuộc sống trước đây của mình”.
“Em rất yêu con, nhưng em cũng nhớ chính mình của ngày xưa”.
“Tớ không biết những tháng ngày này rồi sẽ đi về đâu. Tớ không còn biết mình là ai nữa”.
“Chị từng muốn có con hơn bất cứ điều gì; nhưng nhiều khi chị chỉ thấy mệt mỏi, buồn chán và bực bội. Chị thấy có lỗi với con…”.
Đó là những lời thì thầm đầy mơ hồ và hoài nghi, bởi những người mẹ đang loay hoay với nhiều cảm xúc khó gọi tên. Chưa kể họ cho rằng, những suy nghĩ và cảm xúc ấy là điều khác thường, khiến họ không dám bộc bạch với gia đình hay bạn bè xung quanh. Họ không thể định hình chính xác điều gì đang diễn ra với mình.
Lần đầu làm mẹ, tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi: liệu mình có thể tìm lại được con người cũ của mình hay không, liệu tôi có thời gian để làm việc, gặp gỡ bạn bè và tận hưởng các hoạt động yêu thích của mình lần nữa hay không; tôi là ai bên cạnh việc là một người mẹ? Những câu hỏi ấy trở đi trở lại trong tôi nhiều đến mức, tôi quyết định… nghỉ việc và dành hẳn 1 năm gap year để tìm câu trả lời cho mình.
Mọi người thường nói làm mẹ là một trải nghiệm hạnh phúc và tuyệt vời nhất trên đời, làm mẹ là bản năng, bạn không cần phải lo lắng quá nhiều. Nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó nói với bạn rằng bạn sắp bước vào một quá trình chuyển đổi lớn, khiến bạn căng thẳng, hoang mang và cảm thấy như đánh mất chính mình? Có rất nhiều điều bạn chưa được kể.
Trong bản tin số này, chúng ta sẽ cùng thảo luận về những sự thật xung quanh giai đoạn chuyển đổi quan trọng tạo nên danh tính mới cho một người phụ nữ - một người mẹ.
Sự thật #1 – Bạn và cuộc sống của bạn không bao giờ giống như trước nữa
Làm mẹ là một trải nghiệm đặc biệt, khiến cuộc sống của người phụ nữ thay đổi một cách toàn diện. Họ có thể cảm thấy tiếc nuối và mất mát về nhiều thứ - thời gian, tiền bạc, các mối quan hệ, công việc, sở thích cá nhân, những ước mơ, mục tiêu, sự chăm sóc đặc biệt khi mang bầu, giấc ngủ, sự yên tĩnh, riêng tư, tự do và làm chủ,...
Mặc dù trải nghiệm của mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng dưới đây là một số khía cạnh phổ biến mà nhiều người mẹ mới thường trải qua.
Cơ thể bạn dường như không còn là của bạn: Không phải người mẹ sinh con lần đầu nào cũng biết rằng, mình có thể trông vẫn như đang mang thai, ngay cả khi em bé đã chào đời. Bụng của bạn vẫn sẽ nhô ra như thể đang bầu 6 tháng. Việc chấp nhận cơ thể sau sinh đối với nhiều người mẹ thực sự là điều khó khăn.
Không còn me-time: Một người bạn của tôi, từ một cô gái luôn hào hứng với những điều mới mẻ và yêu một đời sống tinh thần giàu có, cô cảm thấy bản thân sau 1 năm làm mẹ giống như một cái cây khô héo. Thời gian và năng lượng của bản thân tiêu tán hết vào việc làm mẹ với những giấc ngủ chỉ kéo dài 2-3 tiếng, tình trạng kiệt sức khiến cô mất hết cảm hứng trong cuộc sống và luôn tự hỏi, có phải mình đang đánh mất con người cũ mà mình rất yêu.
Mất nhịp điệu & sự kiểm soát: Sự khó lường của cuộc sống với một đứa trẻ sơ sinh có thể là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy lo lắng và choáng ngợp. Tôi đã từng phải vật lộn vô cùng với điều này, cuộc sống thật hỗn loạn - không bao giờ biết khi nào con tôi sẽ ăn, ngủ, cần thay tã,.... Tôi cảm thấy như mình không thể sắp xếp được ngày (hoặc đêm!) của mình.
Thiếu thời gian cho các mối quan hệ khác: Em bé là trung tâm vũ trụ khiến bạn có ít thời gian cho các mối quan hệ khác. Bạn có thể cảm thấy cô đơn, đặc biệt là trong mối quan hệ hôn nhân. Việc em bé là ưu tiên hàng đầu là bình thường, nhưng nhiều cặp vợ chồng vẫn gặp khó khăn khi thiếu kết nối.
Mất tự do: Cuộc sống của những người mẹ thường xoay quanh lịch trình và nhu cầu của con, các hoạt động tự phát sẽ không còn (hoặc hiếm khi) có thể thực hiện được (đặc biệt là vào thời điểm đầu). Một buổi xem phim, hẹn hò ăn trưa với chồng, một buổi cà phê ngẫu hứng với bạn bè… lúc này dường như là một sự xa xỉ. Chưa kể quan niệm trong thời gian ở cữ, người mẹ không được ra ngoài khiến cho họ cảm thấy “bị nhốt” trong thực tại mới, bí bách và ngột ngạt khi ở trong 4 bức tường, xung quanh là bỉm sữa, dỗ con khóc, ru con ngủ… Cảm giác tiếc nuối về sự tự do cũng là điều dễ hiểu.
Khủng hoảng danh tính nghề nghiệp: Một người bạn của tôi quyết định sinh con thứ 2 khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp; những ngày tháng sau sinh đắm chìm trong trăn trở về những cơ hội mình vừa bỏ lỡ, lo lắng không biết khi nào có thể quay trở lại công việc và mình sẽ phát triển tiếp ra sao; đồng thời cảm thấy tội lỗi khi không cảm thấy kết nối nhiều với em bé giống như với con đầu lòng.
Sau khi có con, bạn thực sự có thể cảm thấy như cuộc sống trước đây, con người trước đây của mình đột nhiên không còn tồn tại nữa - và sự mất mát này, xảy ra trong khoảng thời gian vốn đã đầy cảm xúc, có thể khiến bạn bối rối, sợ hãi và đau đớn.
Nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó nói với bạn rằng mọi chuyện đều ổn và là một phần trong hành trình của bạn? Bạn thân mến, hãy biết rằng bạn sẽ có thể cảm thấy việc làm mẹ khó khăn hơn nhiều so với những gì bạn nghĩ. Bạn cũng sẽ có thể cảm thấy như không còn biết mình là ai hoặc mình phù hợp với thế giới như thế nào nữa.
Mọi thứ đều có thể, và đều ổn.
Sự thật #2 – Mọi chuyện đều ổn và là một phần trong hành trình của bạn
Theo Tiến sĩ Alexandra Sacks – bác sỹ tâm thần sinh sản, cảm giác mất mát sau khi sinh con này là hoàn toàn bình thường. Trên thực tế, quá trình thay đổi tâm sinh lý này còn có hẳn một cái tên, một thuật ngữ riêng: Matrescence – quá trình trở thành một người mẹ (the process of becoming a mother).
Thuật ngữ này được nhà nhân chủng học y tế Dana Raphael đặt ra vào những năm 1970. Đó là tất cả những gì thay đổi mạnh mẽ nhất, quan trọng nhất cả về nội tiết, thể chất, cảm xúc, tinh thần, các mối quan hệ và nhân dạng mà người phụ nữ phải trải qua khi làm mẹ – tất cả cùng diễn ra một lúc, giống như đang chơi tàu lượn siêu tốc vậy.
Quá trình chuyển đổi này được ví von quan trọng không kém với quá trình thành niên (adolescent) của một con người, hay còn gọi là tuổi dậy thì. Tuy nhiên, “tuổi dậy thì” là một khái niệm phổ biến. Còn matrescence lại không phải là một thuật ngữ được biết đến rộng rãi hay thảo luận công khai, bởi vậy nên những người mới làm mẹ thường tự đánh giá bản thân về những cảm xúc tự nhiên này; và thường không nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm và trợ giúp mà họ cần.
Và giống như tuổi dậy thì, matrescence không phải là một căn bệnh, nhưng vì nó không có trong từ vựng y học quen thuộc nên nó bị nhầm lẫn với một tình trạng nghiêm trọng (xứng đáng được tiếp cận, nghiên cứu và vận động mở rộng) được gọi là trầm cảm sau sinh. Rất nhiều người mẹ băn khoăn liệu mình có bị trầm cảm sau sinh không. Mặc dù họ có thể không đáp ứng các tiêu chuẩn chẩn đoán cho tình trạng này, nhưng trầm cảm sau sinh dường như là thuật ngữ quen thuộc nhất mà họ có sẵn để mô tả nỗi đau khổ của mình.
Quá trình chuyển đổi này có thể diễn ra ở bất cứ thời điểm nào của việc làm mẹ - khi mang thai, vừa mới sinh, khi con đã được nhiều tháng tuổi, thậm chí cả sinh con thứ 2… Tôi từng gặp những người mẹ cảm thấy tội lỗi khi biết tin mình mang bầu bởi thay vì (phải) cảm thấy mừng vui thì lại nhớ nhung quãng thời gian thong thả, tự do còn chưa kịp tận hưởng hết. Có những người mẹ vừa sinh con được vài tuần, cảm thấy tiếc nuối những ngày vợ chồng son rỗi vui vẻ nhàn hạ; thấy mình bất lực và bế tắc trước bao nhiêu áp lực, trách nhiệm cùng những cơn lốc cảm xúc dội xuống không cách nào chống đỡ.
Khi mà những người phụ nữ cảm thấy lạc lõng với con người mới, đồng thời cũng thấy xa lạ với bản thân trước khi có con, họ sẽ lo lắng rằng nó rất tồi tệ. Như bạn thấy, không chỉ một mình bạn cảm thấy lạc lõng. Thay vì tự trách hoặc nghi ngờ bản thân, chúng ta hãy cùng cởi mở chia sẻ, để những thử thách và niềm vui lộn xộn đẹp đẽ của tiến trình trở thành mẹ được chấp nhận như những thăng trầm của tuổi dậy thì. Việc này sẽ giúp giảm bớt sự cô đơn và kỳ thị, góp phần giảm tỷ lệ trầm cảm sau sinh.
Sự thật #3 – Bạn sẽ tìm lại được chính mình, và nhiều hơn thế
Sau khi làm mẹ, một phần bản thể của bạn đã mất đi, và một phần bản thể mới cũng được sinh ra. Mặc dù ngay lúc này, bạn sẽ cảm thấy điều này dường như là không thể, nhưng bạn sẽ tìm lại được chính mình - với cả những khuôn mẫu cũ, quen thuộc và cả những khía cạnh mới của con người bạn với tư cách là một người mẹ.
Sự thật là chúng ta luôn phát triển, thay đổi và mở rộng hơn mỗi ngày. Đây là một cuộc hành trình dài và bạn đang ở chính xác nơi bạn cần đến ngay bây giờ.
Làm mẹ là một thay đổi lớn lao trong cuộc đời bạn, nhưng xét cho cùng, nó cũng là một vai trò giống như tất cả những vai trò khác trong cuộc sống của bạn – làm con, làm vợ, làm bạn… Bạn không chỉ là một người mẹ, bạn là chính bạn – một “tôi” nguyên bản và trọn vẹn vẫn đang tồn tại, và điều này quan trọng hơn cả!
Matrescence chính là khoảng thời gian vàng để bạn trải nghiệm điều đó. Cho dù đó là một khoảng hỗn độn tưởng như vô định, hãy cho phép mình ở lại đủ lâu với nó, để những trật tự mới được thiết lập, giúp bạn tái kết nối với bản thể và khám phá những cánh cửa mới mở ra. Những gì diễn ra trong tiến trình này sẽ góp phần định hình nên phiên bản mới của bạn.
Chúng ta sẽ còn thảo luận sâu hơn về giai đoạn chuyển đổi đặc biệt này cùng những chiến lược giúp bạn tái kết nối với bản thân và khám phá những khía cạnh mới mẻ về mình trong những bản tin tiếp theo.
Kết lại, tôi muốn nhấn mạnh rằng sự chấp nhận, thấu hiểu và lòng trắc ẩn là điều quan trọng để hỗ trợ bản thân trong suốt quá trình chuyển đổi này. Khi cởi mở đón nhận những thay đổi tự nhiên của tiến trình trở thành mẹ, bạn sẽ sẵn sàng đối mặt với những thử thách với một kỳ vọng thực tế và sẵn lòng đón nhận sự trợ giúp. Và bạn sẽ nhận ra “mình mạnh mẽ và rộng lớn hơn mình tưởng” - rất nhiều!
Tài liệu tham khảo:
https://www.lucieslist.com/guides/parenting-mental-wellness/rediscovering-yourself-motherhood/
https://www.moretomum.com.au/2019/08/19/matressence/
https://www.momwell.com/blog/the-roller-coaster-of-becoming-a-mom
em thích những bản tin của chị Dương lém về những suy nghĩ, trăn trở và cả những bài học, những góc nhìn rất tích cực trên hành trình làm mẹ. Những chia sẻ của chị khiến em thấy hành trình này thật đẹp, thật kì diệu biết mấy, đúng là hành trình để người mẹ phát triển nhiều khía cạnh khác của bản thân. Mong là đọc nhiều chia sẻ của chị sẽ khiến em bớt sợ làm mẹ (trong tương lai) haha :D