Mommy brain - những điều có thể bạn chưa biết
MV#26: Hãy tin tưởng rằng bộ não của bạn biết nó đang làm gì - và nó đang thích nghi với vai trò mới của bạn và trang bị cho bạn để trở thành một người mẹ tốt hơn.
Tuần qua, trên cộng đồng Mom Village - Nuôi dưỡng người mẹ mới; chủ đề chứng đãng trí/ hay quên sau khi sinh con nhận được sự quan tâm của đông đảo các mẹ. Nhiều tình huống được chia sẻ: đưa con ra ngoài nhưng quên mang balo đồ dùng cho con; không nhớ quên đồ ở đâu, đi mua đồ mới thì vài hôm sau tìm thấy đồ trong ngăn đá tủ lạnh; có mẹ quên cả tên và ngày tháng năm sinh của con khi bác sỹ hỏi; v.v.
Những hiện tượng suy nghĩ mơ hồ, hay quên này là một trạng thái phổ biến người mẹ mới có thể gặp phải, thường được biết đến với thuật ngữ “mommy brain” hay “momnesia”.
Mommy brain là gì?
Mommy brain là thuật ngữ được dùng để mô tả tình trạng khó tập trung, quên lãng và trạng thái “mơ màng” của não bộ. Đây là một trạng thái thường gặp ở những người mẹ trong giai đoạn mang thai và sau sinh với các biểu hiện phổ biến như:
Khả năng tập trung kém, dễ dàng bị phân tâm hoặc quên mất những việc cần làm.
Khả năng ghi nhớ giảm/hay quên: các mẹ có thể quên mất các sự kiện, tên người hoặc những chi tiết quan trọng.
Khó khăn trong việc tổ chức và quản lý thời gian; lên kế hoạch, xác định ưu tiên và hoàn thành các nhiệm vụ.
Cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng
Nguyên nhân dẫn tới các trạng thái này thường bắt nguồn từ sự thay đổi hormone mạnh mẽ (bao gồm progesterone và estrogen) trong cơ thể phụ nữ khi mang thai, sinh con và cho con bú. Tình trạng thiếu ngủ cùng những áp lực trong việc chăm sóc em bé mới sinh và sắp xếp lại cuộc sống trong vai trò mới cũng góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến các chức năng não bộ của các mẹ.
Tình trạng này thường khiến các mẹ cảm thấy không thoải mái, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt và kéo theo nhiều lo lắng, đặc biệt khi các mẹ chuẩn bị quay lại công việc sau sinh.
Mommy brain là có thật
“Mommy brain là có thật” - theo Amy Richter, MD, bác sĩ sản phụ khoa của Optum Health ở, New York. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong thời kỳ mang thai & sau sinh, bộ não con người trải qua một giai đoạn tổ chức lại phi thường - được gọi là tính dẻo dai của thần kinh. Chụp cộng hưởng từ cho thấy khối lượng chất xám giảm sau khi mang thai ở một số vùng não của phụ nữ và tăng lên ở những vùng khác. Đây là những gì xảy ra:
Hồi hải mã – phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ và khả năng từ vựng - trở nên nhỏ hơn.
Hạch hạnh nhân trở nên lớn hơn. Đây là nơi bắt nguồn cảm xúc, đó có thể là lý do tại sao bạn dễ khóc hoặc cảm thấy quá căng thẳng.
Vỏ não trước trán – nơi có chức năng điều hành - trở nên nhỏ hơn. Đó có thể là lý do tại sao việc lập kế hoạch trở nên khó khăn và tại sao bạn không thể nhớ lý do mình vừa làm một việc nào đó.
Mức độ thay đổi này thực sự rất quan trọng và nó liên quan đến hành vi chăm sóc tối ưu hơn cũng như khả năng điều chỉnh tốt hơn đối với quá trình chuyển đổi lớn lao này. Nói cách khác, những thay đổi trong não bộ này cho phép người mẹ mới thích ứng với những yêu cầu mới của cuộc sống sau sinh và tập trung vào nhu cầu của em bé; giống như Liisa Galea, một nhà thần kinh học nghiên cứu về sức khỏe tâm thần cho phụ nữ ở Canada chia sẻ: “Thật hợp lý khi bộ não thực sự, thực sự dẻo trong thời gian sau sinh vì có rất nhiều điều mới mà chúng ta cần học để sống cùng tạo vật tuyệt vời này, và chúng ta cần phải làm điều đó thật nhanh”.
Mặc dù có những khó khăn trong việc ghi nhớ từ ngữ và thông tin, nhưng các bà mẹ cũng nhận thấy những lợi ích như khả năng giữ bình tĩnh và tập trung trong các tình huống căng thẳng, hiểu được các tín hiệu phi ngôn ngữ của trẻ sơ sinh và tăng cường sự cảnh giác đối với nguy hiểm tiềm ẩn. Một số người mẹ trải qua mommy brain cũng nhận ra những thay đổi tích cực của bản thân trong khả năng đồng cảm và nhìn nhận vấn đề với góc nhìn rộng hơn, cảm thấy gắn bó và hòa hợp hơn với con của họ.
Đối phó với Mommy brain như thế nào?
Một số phụ nữ sẽ cảm thấy bình thường trở lại sau vài tháng sau khi sinh, trong khi một số mẹ khác sẽ gặp khó khăn trong nhiều năm. Tuy nhiên, đây không phải là một trạng thái vĩnh viễn và có thể đối phó được. Điều quan trọng nhất chính là kiên nhẫn & cảm thông với bản thân. Những thay đổi sinh học bạn đang trải qua là bình thường và là cách não của bạn thích ứng và tiến hóa để bạn có thể trở thành một người mẹ tốt nhất có thể. Đừng quá khắt khe với bản thân vì những lúc quên hay mất tập trung.
Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo một số biện pháp dưới đây để cải thiện tình trạng của mình theo thời gian:
Lập danh sách và xây dựng lịch trình: Cách thức hiệu quả để đối phó với việc bạn không thể nhớ tất cả mọi thứ là lập nhiều danh sách. Mang theo một cuốn sổ ghi chú hoặc một cuốn nhật ký nhẹ để ghi chú mọi thứ: những việc cần làm, những thứ cần mua, những thông tin cần ghi nhớ... Ngoài ra, việc xây dựng lịch trình cơ bản có thể dự đoán hàng ngày giúp giải phóng não của bạn để suy nghĩ về những thứ khác mà không cần suy nghĩ về việc lên kế hoạch cho ngày của bạn. sẽ giúp não bạn được nghỉ ngơi.
Tập trung vào chất lượng, không phải số lượng công việc: Thay vì cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc và đối mặt với sự phân tâm, hãy tập trung vào việc hoàn thành một công việc một cách chất lượng và tận hưởng quá trình làm việc đó.
Tập thể dục cho não bộ: Bạn có thể chủ động thực hiện các hoạt động rèn luyện não bộ với các trò chơi tăng cường trí nhớ như từ vựng chéo, giải đố, đọc sách… Thực hành chánh niệm (mindfulness) hay thiền định theo những cách thức phù hợp với bản thân cũng sẽ giúp bạn tăng khả năng tập trung, giảm căng thẳng và duy trì trạng thái tỉnh táo.
Ngủ đủ: Ngủ đủ giấc dường như là một thử thách với người mẹ mới khi chăm sóc trẻ sơ sinh, tuy nhiên hãy cố gắng thu xếp và ngủ bất cứ khi nào có thể để não bộ của bạn được nghỉ ngơi. Bạn & chồng có thể sắp xếp thay phiên nhau cho em bé ăn vào ban đêm. Hoặc, nếu bạn đang cho con bú, hãy đề nghị chồng thay tã trước khi đưa em bé đến cho bạn để bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi.
Xây dựng mạng lưới hỗ trợ: Bạn không nhất thiết phải làm tất cả mọi thứ. Hãy học cách yêu cầu sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè… để giảm bớt gánh nặng; cho bản thân có thêm thời gian và không gian riêng để nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng và tập trung vào công việc quan trọng. Bạn cũng có thể tìm đến các nhóm hỗ trợ, cộng đồng những người mẹ để chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những người mẹ khác đang trải qua tình trạng tương tự.
Kết lại, nếu bạn đang trải qua những hiện tượng suy giảm trí nhớ/hay quên sau khi sinh, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Những gì bạn đang trải qua là một phần bình thường của việc làm mẹ. Đó không phải là sự suy giảm, mà là sự điều chỉnh và thích ứng của não bộ. Hãy tin tưởng rằng bộ não của bạn biết nó đang làm gì - và nó đang thích nghi với vai trò mới của bạn và trang bị cho bạn để trở thành một người mẹ tốt hơn.
"Mommy brain là có thật; và đó là bằng chứng cho thấy trái tim của chúng ta tràn ngập tình yêu thương dành cho con cái đến nỗi không còn nhiều chỗ để ghi nhớ chúng ta đã đặt điện thoại di động ở đâu." - Khuyết danh
Nguồn tham khảo:
https://www.parents.com/pregnancy/my-body/postpartum/mommy-brain-yes-its-a-thing/
https://www.washingtonpost.com/parenting/2023/02/23/mommy-brain-symptoms-benefits/
https://www.optum.com/health-articles/article/healthy-mind/yes-mommy-brain-real/