[Mommy As Coach 16] Bạn đang sợ bỏ lỡ điều gì?
3 câu hỏi giúp bạn vượt qua FOMO khi làm mẹ
Khi sinh em bé thứ 2, với tâm lý chủ động và tự tin trong việc làm mẹ, mình đã quay trở lại công việc và các khóa học phát triển bản thân từ khá sớm (khi con 2 tháng tuổi). Dù ban đầu đã chủ ý sắp xếp thời gian và nhịp điệu vừa phải để không làm ảnh hưởng tới con, nhưng sau đó mình đã bị cuốn đi; để rồi quay cuồng với thời gian biểu bận rộn, làm gì cũng thấy không trọn vẹn - ngay cả việc hiện diện cùng con, những suy nghĩ tiêu cực về bản thân bắt đầu nổi lên. Khi đó, mình nhận ra, phía sau tất cả những điều này là cảm giác lo lắng khi thấy mình bị tụt lại trong khi những người khác đang tiến rất xa - mình đang trải qua hội chứng FOMO!
FOMO - viết tắt của Fear Of Missing Out – là nỗi sợ mình bị bỏ lỡ những điều thú vị, vui vẻ, hạnh phúc mà người khác đang được trải nghiệm. Đây là một hội chứng tâm lý ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội hiện đại, mang tới những cảm xúc lo lắng, bồn chồn, bất an. FOMO có thể dẫn tới những quyết định chóng vánh và những hành vi khó kiểm soát như: cập nhật mạng xã hội liên tục, nghiện mua sắm… gây mất tập trung, lãng phí tiền bạc và ảnh hưởng tới các mối quan hệ.
Ai cũng có thể gặp FOMO ở những cấp độ và biểu hiện khác nhau. Với những mẹ bầu và sau sinh, cảm giác phải chậm lại để thích nghi với những thay đổi của cơ thể cùng sự tách biệt trong thời gian “ở cữ” có thể kích hoạt FOMO ở nhiều khía cạnh. Bạn có thể thấy FOMO với cuộc sống sôi động và những kết nối xã hội như thời gian trước khi có con - những cuộc hẹn hò với bạn bè, những chuyến du lịch, hay đôi khi chỉ là những khoảng thời gian rảnh rỗi một mình. Bạn cũng có thể cảm thấy FOMO về sự nghiệp của mình: những cơ hội thăng tiến, những kết nối công việc, nỗi lo bị tụt hậu khi quay trở lại công việc … FOMO có thể khiến các mẹ cảm thấy khó khăn khi nói “Không”, căng thẳng với quá nhiều lựa chọn, kiệt sức với quá nhiều việc muốn làm; trở nên mất kết nối với con và với chính mình.
Vậy vượt qua FOMO bằng cách nào? 3 câu hỏi dưới đây đã giúp mình từng bước đi qua FOMO trong giai đoạn bầu và sau sinh; hi vọng cũng sẽ hữu ích với bạn.
1 – Điều gì đã kích hoạt FOMO trong bạn?
Xác định được yếu tố kích hoạt sẽ giúp bạn đối phó với FOMO hiệu quả hơn. Với mình, FOMO thường đến khi mình bắt đầu có những suy nghĩ so sánh với người khác trong các khía cạnh cuộc sống. Sự so sánh này được thúc đẩy mạnh hơn nhờ mạng xã hội. Theo nghiên cứu, truyền thông và mạng xã hội chính là những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới FOMO; và FOMO tiếp tục kích thích bạn liên tục cập nhật trạng thái của những người xung quanh - giống như một vòng lặp.
Rời xa mạng xã hội (social detox) là một phương pháp tự nhiên để phá vỡ vòng lặp này. Giảm bớt thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử, đặc biệt là khi chơi & kết nối cùng con. Lên lịch cụ thể cho việc kiểm tra mạng xã hội thay vì dán mắt vào điện thoại suốt cả ngày. Khi kết nối trên mạng xã hội, sử dụng chức năng Bộ lọc để chọn lọc những nội dung trên “tường” của bạn - bỏ đi những nội dung kích thích FOMO trong bạn và chỉ giữ lại những cập nhật có ích với bạn trong việc nuôi dưỡng cảm xúc và suy nghĩ tích cực. Ngay cả khi ngắt kết nối mạng, bạn vẫn có thể trải qua cảm giác bồn chồn, lo lắng và những suy nghĩ so sánh. Hãy cứ quan sát và thừa nhận chúng; sau đó chuyển hướng sự tập trung của bạn sang các hoạt động khác giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
2 – Bạn có thực sự bỏ lỡ điều gì không? Điều đó có quan trọng với bạn tại thời điểm này không?
Bạn có từng cảm thấy thờ ơ ngay khi mua xong một món đồ mà vài phút trước đó bạn rất rất thích? Bạn có từng mang về một loạt những cuốn sách được giới thiệu trên mạng và rồi xếp chúng yên vị trên giá sách? Bạn có từng lấp kín thời gian trống của mình bằng các khóa học để rồi nhận ra chúng không phù hợp với mình hiện tại? Bạn có từng cố gắng nắm bắt thêm một cơ hội công việc nào đó và rồi kiệt sức muốn dừng lại ngay khi có thể? Tất cả những trải nghiệm này đều chứng tỏ một điều - những gì chúng ta sợ bỏ lỡ chưa chắc đã là điều cần thiết và quan trọng với ta tại thời điểm này. Thậm chí, khi bạn nghĩ mình đã “bỏ lỡ” thì những món đồ, những cuốn sách, những khóa học… chúng vẫn còn ở đó. Ngay cả những cơ hội tưởng như có một không hai cũng có thể trở lại với bạn ở một hình thái khác vào một thời điểm khác phù hợp hơn.
Thực tế, khi chạy theo FOMO, chúng ta lại đang bỏ lỡ những điều quan trọng khác ở hiện tại, như là những niềm vui được chứng kiến các mốc phát triển của con, sự kết nối & hiện diện trọn vẹn bên con, hay thời gian dành cho những hoạt động nuôi dưỡng well-being của chính mình - một người mẹ mới! Xét trên khía cạnh tích cực, FOMO giúp ta nhận ra & trân trọng những điều thực sự có ý nghĩa với bản thân ở hiện tại. Bạn có thể tiếp tục duy trì những cảm xúc tích cực đó bằng cách thực hành viết nhật ký biết ơn mỗi ngày.
3 – Bạn có thể bỏ bớt đi điều gì?
FOMO kích thích sự thêm vào, vậy nên để đối phó, chúng ta cần học cách bỏ bớt đi - bớt đi những thứ không cần thiết để ưu tiên cho những điều quan trọng và ý nghĩa với bạn. Bớt đi một khóa học để có thêm những buổi tối vui chơi cùng con. Bớt đi một giờ trên mạng xã hội dõi theo cuộc sống của người khác để có thêm thời gian làm những điều khiến bản thân bạn hạnh phúc. Bớt đi những món đồ không cần thiết để có thêm không gian cho ngôi nhà và cho cả tâm trí của bạn.
Nếu việc bỏ bớt đi vẫn còn là một thử thách, hãy áp dụng nguyên tắc thêm một - bớt một, cân nhắc bỏ đi một thứ trước khi quyết định thêm vào thứ gì khác tương ứng trong cuộc sống của bạn. Bạn muốn mua một cuốn sách mới? - Hãy tặng cho người khác một cuốn sách bạn đã đọc xong! Bạn muốn tham gia một khóa học online mới? - Hãy kết thúc khóa học còn đang dang dở trước đã! Thực tế là bạn không có quá nhiều thời gian trống khi làm mẹ, và việc làm một thứ một lúc thì luôn hiệu quả hơn.
Kết lại, thay vì hướng ra bên ngoài, hãy tập trung vào bản thân & tận hưởng hiện tại – đó là cách tốt nhất giúp bạn biến FOMO thành JOMO (Joy of Missing Out). Và nhớ rằng, khi làm mẹ, bạn & cuộc sống của bạn không hề dừng lại! Mỗi ngày, bạn vẫn đang tiến lên trên hành trình trở thành phiên bản trọn vẹn hơn của chính mình.
Một trong những biểu hiện FOMO của những người mẹ là tâm lý “muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con”. Càng có điều kiện, các mẹ càng có xu hướng lấp đầy cuộc sống của con bằng rất nhiều đồ chơi, quần áo, đồ dùng công nghệ hay các hoạt động ngoại khóa.
Tuy nhiên, nhiều hơn có chắc đã tốt hơn? Thừa thãi vật chất vô tình là môi trường thuận lợi cho các vấn đề tâm lý nảy sinh. Trong cuốn “Simplicity Parenting” (tạm dịch: “Nuôi Con Đơn Giản”), chuyên gia giáo dục Kim John Payne chia sẻ: những cá tính bình thường của trẻ khi kết hợp với sự căng thẳng khi có quá nhiều lựa chọn có thể thúc đẩy chúng phát triển những rối loạn. Một đứa trẻ nề nếp, logic có thể phát triển hành vi rối loạn ám ảnh (obsessive behaviors). Một đứa trẻ hay mơ mộng có thể đánh mất khả năng tập trung. Khi bị quá tải, trẻ sẽ mất đi thời gian và sự thong thả đầu óc mà chúng cần để khám phá, chơi đùa và xả stress; mất đi sự “buồn chán” - món quà kích thích trí sáng tạo và khả năng tự mày mò, học hỏi.
Vậy làm thế nào để đơn giản hóa cuộc sống của con và cho phép trẻ phát triển một cách tự nhiên? Một trong những gợi ý đơn giản mà hiệu quả là bớt đồ chơi, đồ vật trong phòng trẻ; khuyến khích trẻ chủ động mày mò, tưởng tượng và sáng tạo nhiều trò chơi với một số ít đồ mình có.
Tuần này, bạn hãy cùng con dọn lại đồ chơi theo những tiêu chí sau:
Giữ những món trẻ yêu thích, thường là những đồ chơi đơn giản
Bỏ đồ chơi đã hỏng hóc, thiếu các bộ phận, không thể chơi được nữa
Bỏ đồ chơi hạn chế trí tưởng tượng của trẻ (ví dụ: những món đồ trẻ chỉ cần bấm nút để phát sáng hay phát ra âm thanh)
Bỏ những món trẻ đã không chơi trong cả tháng qua
Nếu sau khi dọn dẹp mà vẫn còn quá nhiều đồ chơi, bạn có thể cất chúng trong kho để luân phiên thay đổi cho trẻ mỗi tuần.
Nếu cảm thấy khó cưỡng lại nhu cầu mua thêm đồ chơi cho con như quà tặng cho các dịp lễ hội cuối năm, bạn cũng có thể áp dụng nguyên tắc thêm một - bớt một. Hãy cùng thảo luận và thống nhất với con, mỗi khi được tặng hay mua thêm một món đồ chơi mới, con hãy chọn một món đồ còn sử dụng được mà con không chơi nữa, để tặng lại cho các em bé khác hoặc đóng góp cho các hoạt động từ thiện.
Và, cách tốt nhất để con hợp tác chính là làm gương - hãy dọn dẹp chính căn phòng của bạn và cẩn trọng với việc mua sắm của chính mình nhé!
Refs:
Giáo dục cảm xúc, “Mối liên hệ giữa tuổi thơ dư thừa và rối loạn phát triển” (lược dịch từ chia sẻ của tác giả Tracy Gillett)
Khả năng đơn giản hóa có nghĩa là loại bỏ những thứ không cần thiết để những thứ cần thiết có thể lên tiếng.
~ Hans Hoffman ~
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Mommy As Coach - bản tin hàng tuần dành cho những người đang và sắp làm mẹ; mong muốn ứng dụng coaching để thấu hiểu, yêu thương chính mình; kết nối, hài hòa các mối quan hệ và tự tin làm mẹ theo cách riêng của mình.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Dương Cao, Women Well-being Coach đồng thời là Mẹ của hai em bé Mon (6 tuổi) và Miu (1 tuổi).
Hãy chia sẻ cho bạn bè nếu bạn cảm thấy yêu thích bản tin này nhé!