[Mommy As Coach 09] Trân trọng những khoảng lặng
Trân trọng những khoảng lặng là cách để chúng ta chậm lại và sống trọn vẹn hơn mỗi ngày.
Tâm trí chúng ta giống như một đứa trẻ hiếu động, liên tục chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, khiến ta cảm thấy bồn chồn, bối rối và bất an. Để rèn luyện tâm trí, ta cần cho nó chút không gian yên tĩnh, hay những khoảng lặng.
Khoảng lặng không phải là khoảnh khắc cô độc hay trống rỗng. Đó là giây phút để bạn có thể thư giãn, nạp năng lượng; là cơ hội để bạn suy tư, ngẫm nghĩ và trải nghiệm sự kết nối với bản thân một cách sâu sắc và trọn vẹn. Thông qua những khoảnh khắc tĩnh lặng đó, bạn có thể tăng khả năng quan sát & nhận diện cảm xúc hay suy nghĩ, cải thiện sự tập trung, buông xả sự thôi thúc phải làm gì đó để “lấp đầy”.
Làm thế nào để tìm được những khoảng lặng bình yên cho tâm trí khi mà cuộc sống làm mẹ luôn đầy ắp những việc không tên, những lộn xộn thường nhật và những âm thanh ồn ã từ những tiếng gọi “mẹ ơi” liên tục? Những gợi ý dưới đây có thể không mới với bạn, nhưng cần sự chú ý và thực hành thường xuyên. Bạn hãy thử:
Thức dậy sớm
Sáng sớm luôn là khoảng thời gian yên tĩnh và trong lành nhất. Nếu có thể, hãy cố gắng dậy sớm 10 phút trước khi các con của bạn thức dậy và dùng khoảng thời gian này cho bản thân bằng cách nhâm nhi một ly trà, đọc sách, viết nhật ký hoặc thiền… Sự tĩnh lặng cùng năng lượng thanh khiết buổi sáng chính là “bữa sáng” chất lượng cho tâm trí; giúp bạn bắt đầu ngày mới với tâm thế tươi mới và tích cực hơn.
Hít thở sâu
Chúng ta hít thở mọi lúc, nhưng để sử dụng hơi thở như một biện pháp để tìm thấy sự tĩnh lặng, hãy thở chậm lại, thở sâu hơn và để ý hơn đến nhịp điệu của hơi thở. Chậm rãi hít vào bốn nhịp, giữ lại, thở ra bốn nhịp rồi tiếp tục giữ lại. Quan sát hơi thở của bạn thông qua chuyển động của bụng hoặc cảm nhận luồng không khí qua mũi. Thở luân phiên như vậy trong một vài phút sẽ giúp bạn thư giãn, bình tĩnh, duy trì năng lượng và giảm stress rất hiệu quả. Có rất nhiều khoảng thời gian trong ngày bạn có thể tận dụng để thực hành hít thở sâu: khi cho con bú, chơi cùng con, đi dạo cùng con hay khi con vừa ngủ say…
Nghe nhạc
Âm nhạc có thể làm dịu các hoạt động của trí não. Hãy chọn những bản nhạc cổ điển, nhạc không lời hoặc những bài hát với giai điệu du dương thư giãn. Không phải chỉ sử dụng âm nhạc làm nền cho các hoạt động khác, bạn hãy chú tâm để thực sự tận hưởng âm nhạc bằng cả trái tim. Bạn càng chú ý vào giai điệu lời hát, bạn càng ít tập trung vào những suy nghĩ khác của bản thân.
Tận dụng thời gian chơi tự do của con
Thay vì cố gắng lắp đầy lịch trình một ngày của con với rất nhiều hoạt động và trò chơi, hãy khuyến khích con chơi tự do. Nếu con chưa thể tự chơi một mình, bạn đơn giản chỉ cần ngồi yên lặng cạnh con, quan sát và hỗ trợ khi con thực sự cần. Đây là một cách để đưa thêm sự tĩnh lặng vào cuộc sống của con và của chính bạn.
Trong cuộc sống gấp gáp ngày nay, những khoảng lặng ngắn nhưng hữu ích ngày càng trở nên cần thiết. Chậm lại một chút, để thực sự “sống” một cách trọn vẹn hơn, bạn nhé!
“Mẹ ơi con chán quá, chẳng có gì để chơi cả!”
Bạn sẽ phản ứng như thế nào khi nghe con kêu ca như vậy? Bạn có muốn lập tức “giải cứu” con (và giải cứu chính mình) bằng cách bật tivi, đọc sách cho con, cùng con làm một dự án nào đó hay đưa con đi chơi công viên? Hãy dừng lại một chút! Liệu con có thể biết cách tự đối mặt và vượt qua sự chán chường của mình nếu bạn thay con làm việc đó?
Trẻ nhỏ ngày nay đều có lịch trình dày đặc: từ việc học, làm bài tập đến tham gia các hoạt động ngoại khóa… khiến cho thần kinh của trẻ luôn trong trạng thái được kích thích. Chuyên gia giáo dục Kim John Payne chia sẻ: “Một đứa trẻ không có thời gian chơi đùa tự do - hay tốt hơn nữa là thời gian buồn chán - sẽ luôn tìm kiếm các tác nhân kích thích từ bên ngoài như các hoạt động và các trò giải trí.” Điều này có ảnh hưởng kéo dài tới khi con lớn lên.
Chúng ta nên thêm thật nhiều những nốt lặng và khoảng nghỉ cần thiết để trẻ có thể giải tỏa căng thẳng và tận hưởng cuộc sống hàng ngày. Dưới đây là một số gợi ý cho các mẹ:
Hạn chế thời lượng xem các tivi/các thiết bị điện tử
Có sự khác biệt lớn giữa việc cho con xem tivi/các thiết bị điện tử để giải trí hay học hỏi với việc cho con chơi điện thoại để bớt buồn chán hay lợi dụng các thiết bị này để cha mẹ được rảnh tay. Theo bác sĩ nhi khoa Dimitri Christakis, việc xem các hình ảnh nhảy múa liên tục trên màn hình sẽ khiến não bộ đang phát triển của trẻ dần đòi hỏi những cấp độ kích thích cao hơn. Điều này có thể dẫn đến con ngày càng trở nên phụ thuộc vào thiết bị này, mất đi sự tập trung và kết nối với cuộc sống bên ngoài.
Cách thức hiệu quả nhất chúng ta có thể làm để giảm thời gian trẻ chơi máy/xem tivi/dùng điện thoại chính là làm gương cho trẻ bằng cách tự tiết chế thời gian dùng máy của bản thân. Hãy để điện thoại ở nhà khi đi dạo cùng gia đình, tắt điện thoại một tiếng trước khi đi ngủ, có những cuối tuần không tivi/ipad… Bạn cũng có thể trao đổi và thống nhất với con một khoảng thời gian & khung giờ nhất định cho việc xem tivi/các thiết bị điện tử; và đồng hành cùng con trong quá trình thực hiện.
Tăng giờ chơi tự do
Trẻ nhỏ cần những khoảng thời gian không bị làm phiền để vẽ linh tinh, chơi cát, xé giấy, lục tung thùng đồ chơi, tự mặc trang phục giả vờ làm công chúa, biển diễn ca múa nhạc ầm ĩ, tự độc thoại những câu chuyện không đầu không cuối hay thậm chí là… không làm gì cả. Theo Tiến sĩ Shefali Tsabary, “Các con cần thời gian, sự tự do và sự cho phép tuyệt đối để được hành động theo tiếng gọi của trái tim.”
Bởi vậy, hãy tạo thêm nhiều khoảng trống trên lịch trình hàng ngày của con cho những giờ chơi tự do – đó là cách bạn giúp con nuôi dưỡng óc sáng tạo, trí tưởng tượng, sự tự lập và khả năng tự tạo niềm vui cho mình.
Trân trọng thời gian tĩnh lặng
Bạn có quan sát thấy, khi con càng lớn, càng có thêm những khoảng thời gian con ngồi yên không làm gì, không nói gì? Những lúc như vậy, hãy kiềm chế mong muốn được trò chuyện hay nỗi lo con có ổn không và tôn trọng không gian của riêng con. Chỉ cần để con cảm nhận được rằng bạn vẫn hiện diện gần con. Khi con chủ động giao tiếp lại với bạn, hãy “check-in” với con nếu thấy cần thiết.
Bạn cũng có thể chủ động mang thêm sự tĩnh lặng vào cuộc sống của con thông qua các hoạt động hàng ngày: ngồi yên lặng bên con khi con đang chơi đùa; cùng con đi dạo và tận hưởng không gian yên tĩnh xung quanh… Nếu bạn và con di chuyển bằng xe hơi hàng ngày, hãy thử một vài lúc không bật radio, không chơi hết trò này đến trò khác hay chuyện trò không đầu không cuối. Và sẽ thật tuyệt nếu mỗi ngày bạn có thể cùng con ngồi im lặng và hít thở trong 5-10 phút.
Tạo thêm những khoảng lặng trong cuộc sống của con, bạn không chỉ giúp con thư giãn tâm trí & tận hưởng cuộc sống; mà còn hỗ trợ con duy trì sự kết nối nội tâm, lắng nghe trái tim & sống với thế giới bên trong mình – đó chính là nền tảng cho sự tự tin, tự trọng và tự chủ trên hành trình trưởng thành của con!
“Chúng ta cần tĩnh lặng như chúng ta cần không khí, như cái cây cần ánh sáng. Nếu tâm trí chúng ta lúc nào cũng đầy những từ ngữ và suy nghĩ, thì lấy đâu ra không gian cho chính chúng ta.” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Mommy As Coach - bản tin hàng tuần dành cho những người đang và sắp làm mẹ; mong muốn ứng dụng coaching để thấu hiểu, yêu thương chính mình; kết nối, hài hòa các mối quan hệ và tự tin làm mẹ theo cách riêng của mình.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Dương Cao, Women Well-being Coach đồng thời là Mẹ của hai em bé Mon (6 tuổi) và Miu (1 tuổi).
Hãy chia sẻ cho bạn bè nếu bạn cảm thấy yêu thích bản tin này nhé!