[Mommy As Coach 07] Điều gì khiến bạn hạnh phúc?
Hãy tự tặng cho mình những “liều hạnh phúc” (D.O.S.E) nhé!
Chúng ta thường có xu hướng tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài mà quên mất một bí mật rằng, tạo hóa đã mang hạnh phúc giấu ngay trong chính cơ thể chúng ta – các hormone hạnh phúc.
Hormone là các chất hóa học được sản xuất bởi các tuyến khác nhau trong cơ thể. Chúng di chuyển qua dòng máu, hoạt động như những chất truyền tín hiệu và tham gia vào nhiều quá trình của cơ thể. Những hormone hạnh phúc là những chất giúp thúc đẩy cảm giác tích cực, bao gồm cả hạnh phúc và niềm vui; phổ biến nhất là dopamine, oxytocin, serotonin và endorphin (viết tắt là D.O.S.E).
Việc hiểu rõ cơ chế hoạt động của các hormone này, đặc biệt là trong giai đoạn mang bầu và sau sinh, sẽ giúp bạn phục hồi & chăm sóc sức khỏe tinh thần cho bản thân; tận hưởng những hạnh phúc trên hành trình làm mẹ một cách đơn giản mà hiệu quả.
1. Oxytocin – hormone tình yêu
Oxytocin thường được biết đến là hormone tình yêu; được giải phóng sau một cái ôm kéo dài 30 giây và cũng có thể xuất hiện khi quan sát một chú cún dễ thương hay khi xem các video về em bé.
Oxytocin còn là một hormone quan trọng trong quá trình chuyển dạ và sinh nở. Nó chịu trách nhiệm cho sự co bóp của dạ con & phản xạ đẩy thai nhi ra trong quá trình sinh. Oxytocin cũng là nền tảng cho sự gắn kết đặc biệt giữa mẹ và em bé. Đụng chạm là một trong những cách tốt nhất để kích thích sản sinh oxytocin. Đó là lí do tại sao các bà mẹ sau sinh được khuyến khích:
Ôm ấp, da tiếp da với em bé thường xuyên.
Cho con bú sữa mẹ.
Dành thời gian riêng kết nối với chồng.
2. Endorphin – chất giảm đau tự nhiên
Endorphins được sản sinh ra bởi hệ thần kinh trung ương giúp xoa dịu cơn đau về thể chất và tăng cường cảm giác dễ chịu, từ đó giúp con người tiến đến trạng thái vui vẻ hơn. Endorphin chính là lí do vì sao sau khi vận động ta thường cảm thấy thoải mái và dễ chịu.
Mức endorphin cao trong quá trình sinh nở có thể khiến bạn cảm thấy tỉnh táo, chú ý và thậm chí là hưng phấn (rất hạnh phúc) vì cuối cùng bạn cũng đã được gặp em bé của mình. Trong khoảng 48h đến hai tuần sau sinh, sự sụt giảm của endorphin khiến người mẹ bắt đầu trải qua sự lên xuống thất thường trong tâm trạng và cảm xúc – đây là những biểu hiện của triệu chứng được gọi là “baby blues” và sẽ trở lại bình thường khi các hormone cân bằng.
Bạn có thể thúc đẩy quá trình sản sinh endorphin của cơ thể bằng những hoạt động thư giãn hoặc vận động cơ thể nhẹ nhàng như:
Cười nhiều hơn: cười với con và với chính mình, xem một bộ phim hài.
Nhảy theo điệu nhạc bạn yêu thích.
Tập thể dục nhẹ nhàng, yoga hoặc đi bộ.
3. Serotonin – hormone điều hòa tâm trạng
Serotonin là chất hoá học điều hoà tâm trạng có khả năng điều hòa giấc ngủ, ăn uống và hệ tiêu hoá. Theo nghiên cứu khoa học, ánh nắng mặt trời giúp thúc đẩy sản sinh serotonin, cung cấp cho bạn nhiều năng lượng hơn và giúp bạn giữ bình tĩnh, tích cực và tập trung. Bạn có thể kích hoạt serotonin bằng cách:
Tắm nắng cùng con 10 – 15 phút mỗi ngày
Đi đạo ngoài trời
Thiền định – bắt đầu với một vài phút tĩnh lặng và hít thở sâu.
4. Dopamine – hormone của động lực
Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh khiến con người khao khát và nỗ lực để đạt được một mục tiêu nhất định. Chìa khóa để kích hoạt dopamine là đặt ra những mục tiêu nhỏ - trong việc làm mẹ cũng như chăm sóc bản thân; hoàn thành chúng và “ăn mừng” những thành tựu nhỏ đó.Ngoài ra, đối xử tốt với mọi người xung quanh cũng làm tang dopamine và khiến bản thân bạn cảm thấy phấn chấn hơn.
Chợp mắt bất cứ lúc nào có thể.
Lắng nghe & hát theo những ca khúc yêu thích
Đọc một trang sách mỗi ngày
Bạn có thể tạo ra danh sách các hoạt động hạnh phúc (Happy list) của riêng mình; và thực hiện chúng đều đặn mỗi ngày nhé. Một người mẹ hạnh phúc sẽ nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc!
Bạn có biết, một trong những hoạt động đơn giản có thể làm tăng sự sản xuất cả 4 loại hormone hạnh phúc chính là nấu ăn và ăn uống cùng những người yêu thương? Khi được thưởng thức những món ăn ngon lành, cơ thể kích hoạt giải phỏng dopamine và endorphin giúp ta phấn chấn. Còn việc nấu nướng và ăn chung với những người yêu thương có thể làm tăng nồng độ oxytocin trong máu. Ngoài ra, một số loại thực phẩm giàu tryptophan như trứng, pho mát, thịt gà, các loại hạt, cá hồi, đậu phụ… giúp tăng mức serotonin giúp điều hòa tâm trạng.
Tuần này, hãy cùng gia đình bạn vào bếp chuẩn bị bữa cơm hay một bàn tiệc nho nhỏ nhé!
Nấu ăn trong ý thức
Nếu bạn là đầu bếp gia đình, thay vì coi việc nấu ăn là nghĩa vụ, hãy tận hưởng nó bằng cách trải nghiệm nấu ăn trong ý thức. Nấu ăn với ý thức tập trung cho phép bạn tận hưởng khoảnh khắc của hiện tại, cũng như đắm mình vào sự hạnh phúc với mối quan hệ hiện có với những người thân trong gia đình.
Việc này bắt đầu ngay từ khi bạn đi chợ. Khi bạn đến siêu thị, hãy duy trì một tâm trí rõ ràng và tập trung. Lựa chọn những nguyên liệu gần gũi với thiên nhiên, lành mạnh và tươi ngon cho bữa ăn của bạn. Khi bước đến quầy thu ngân, hãy gửi đi lòng biết ơn rằng bạn có thể chi trả cho những thứ bạn đã chọn. Năng lượng từ lòng biết ơn và sự vui vẻ sẽ đượm vào trong món hàng bạn mua.
Khi bạn mang hàng hóa về nhà và bắt đầu cất trữ, hãy để tâm trí bạn đầy niềm vui và sự dư dả tràn đầy trong căn bếp của bạn. Khi chế biến đồ ăn, hãy làm thật từ tốn, với tất cả sự chú ý trong các giác quan của mình. Nấu ăn trong ý thức hạnh phúc và vui vẻ; dành ra vài phút nêm cả yêu thương và sự quan vào từng món ăn. Thức ăn được chuẩn bị trong một môi trường sạch sẽ, gọn gàng và thanh bình, tự nó sẽ trở nên ích lợi cho sức khỏe của chính bạn và những người thân yêu trong gia đình. Đó cũng chính là lí do, trong trái tim mỗi người, bữa cơm mẹ nấu luôn là ngon nhất!
Nấu ăn cùng nhau
Với nhịp sống luôn bận rộn, hối hả như hiện nay, nấu ăn cùng nhau chính là một hoạt động gắn kết tình cảm gia đình đơn giản nhưng thiết thực. Do đó, mỗi khi chuẩn bị cơm cho cả nhà, hãy khích lệ mọi người xuống bếp nấu nướng cùng nhau. Đây chính là khoảng thời gian chất lượng để các thành viên trong gia đình cùng chuyện trò, tâm tình và hiểu nhau hơn. Bên cạnh đó, cùng nhau nấu ăn còn giúp kích thích vị giác, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng hơn so với bữa cơm thưởng thức một mình.
Đối với các con, việc được vào bếp cũng bố mẹ là một hoạt động vô cùng thú vị và sáng tạo. Khi được hướng dẫn các việc nhỏ trong bếp, con có thể phát triển những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống sau này. Từ việc phân biệt các loại rau, củ quả, các vật dụng trong nhà bếp, đến việc sơ chế những loại nguyên liệu đơn giản hay việc dọn dẹp sạch sẽ gian bếp sau khi nấu nướng. Hãy giao cho con những công việc đơn giản để con có thêm sự hứng thú, và kích thích khả năng tìm tòi, học hỏi từ những thứ nhỏ nhất cho con.
Bữa cơm gia đình cũng là cơ hội tuyệt vời để cùng các con thực hành lòng biết ơn. Trước khi cả nhà dùng bữa, hãy dành vài phút để gửi lời biết ơn tới mẹ thiên nhiên và những người đã mang tới bữa cơm này cho gia đình. Bạn có thể tham khảo bài kệ (sưu tầm) dưới đây để thực hành cùng con nhé:
Biết ơn mẹ thiên nhiên
Vì hạt cơm cây lúa
Vì giọt mưa ánh sáng
Cho cây lá đâm chồi
Biết ơn giọt mồ hôi
Bác nông dân vất vả
Biết ơn bao người đã
Cho con bữa cơm này
Cơm này con lấy rồi
Con nguyện lòng ăn hết.
Hãy biến những bữa ăn thấm đẫm gia vị yêu thương trở thành những ký ức đẹp đẽ nuôi dưỡng tâm hồn cho mọi thành viên trong gia đình bạn nhé!
Shutterstock, Illustration
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Mommy As Coach - bản tin hàng tuần dành cho những người đang và sắp làm mẹ; mong muốn ứng dụng coaching để thấu hiểu, yêu thương chính mình; kết nối, hài hòa các mối quan hệ và tự tin làm mẹ theo cách riêng của mình.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Dương Cao, Women Well-being Coach đồng thời là Mẹ của hai em bé Mon (6 tuổi) và Miu (1 tuổi).
Hãy chia sẻ cho bạn bè nếu bạn cảm thấy yêu thích bản tin này nhé!
Bài viết thật hay và ý nghĩa ạ.