[Mommy As Coach 06] Lắng nghe từ tim
Hãy tập lắng nghe bản thân và những người xung quanh bằng chính con tim mình.
Sau một ngày chăm con mệt nhoài, bạn thực sự muốn được nghỉ ngơi, không làm gì cả; nhưng có một “giọng nói” trong đầu lớn tiếng phán xét sự lười biếng của bạn và nói rằng bạn cần làm nhiều hơn.
Bạn quay trở lại công việc sau 4 tháng nghỉ sinh, dù đã cố gắng duy trì việc hút sữa khi đi làm, nhưng lượng sữa vẫn giảm, công việc bận rộn và bạn phải cai sữa cho con sớm. Giọng nói lại cất lên, chỉ trích bạn không kiên trì trong việc nuôi con bằng sữa mẹ.
Và rồi, bạn cảm thấy tội lỗi và trách móc bản thân: “Mình không phải là người mẹ tốt!”.
Điều duy nhất khiến bạn cảm thấy mình là một người mẹ tồi, là thói quen tự động lắng nghe những lời chỉ trích bên trong của bạn và nghĩ rằng đó là BẠN. Sự thật là, giọng nói chỉ trích bên trong KHÔNG phải là bạn – đó chỉ là những suy nghĩ sản phẩm từ những gì bạn trải nghiệm trong cuộc sống; đặc biệt là khi bạn còn nhỏ.
Điều bạn cần làm là thực hành tách bản thân ra khỏi sự ảnh hưởng của giọng nói này. Bài tập gợi ý từ Kimberly Ann Johnson - chuyên gia chăm sóc bà mẹ sau sinh, tác giả cuốn sách “Suối nguồn tươi trẻ cho mẹ sau sinh” - sẽ giúp bạn rèn luyện tâm trí trong những cuộc độc thoại nội tâm của mình. Hãy sử dụng sổ và bút cho bài tập này.
Bắt đầu bằng việc quan sát giọng nói bên trong đang chỉ trích bạn. Giọng nói đó như thế nào? Giọng nói đó khiến bạn nghĩ tới ai? Nó muốn gì từ bạn? Hãy để nó cất giọng nói trong khoảng 5 phút và viết xuống quan điểm của nó.
Không cố gắng tranh luận với giọng nói này, bởi như thế là bạn đang chút ý tới nó nhiều hơn. Bạn cũng có thể đặt cho nó một cái tên. Bạn sẽ thấy, khi giọng nói này được gọi tên và viết ra những quan điểm của nó thì nó không còn nhiều sức mạnh tác động lên bạn nữa.
Hãy cảm ơn rằng giọng nói đã lên tiếng. Sau đó trở lại giây phút hiện tại với một vài hơi thở sâu.
Bây giờ, hãy lắng nghe một giọng nói khác bên trong bạn. Một giọng nói hiền lành, thông thái, bao dung và đầy yêu thương. Giọng nói ấy muốn bạn biết điều gì? Những điều đó khiến bạn cảm thấy như thế nào? Sự khác biệt giữa hai giọng nói là gì?
Bạn cũng có thể đặt tên cho giọng nói này nếu muốn. Lựa chọn một vài từ khóa từ giọng nói ấy, như là “Mọi chuyện sẽ ổn cả thôi”, “Bạn đã nỗ lực rồi và xứng đáng được nghỉ ngơi” hay “Là chính bạn như hiện tại là đủ rồi”… để khiến bạn cảm thấy được vỗ về và thoải mái hơn. Sau đó nhắc lại những câu nói này một cách chậm rãi, cảm nhận điều đó đang thẩm thấu suốt cơ thể bạn.
Trên hành trình làm mẹ, khi thấy mình đặc biệt khắt khe với bản thân, hãy nhớ lại bài tập này. Làm mẹ là một công việc vô cùng vất vả, và không ai có thể làm nó một cách hoàn hảo. Hãy là chính bạn là đủ rồi!
Giao tiếp là nền tảng của bất kỳ mối quan hệ nào. Đó là cách chúng ta kết nối, gắn kết, vượt qua thử thách và tận hưởng niềm vui cùng nhau. Cải thiện giao tiếp trong các mối quan hệ không chỉ nằm ở việc chúng ta nói gì, mà còn ở việc lắng nghe như thế nào.
Bản tin tuần này sẽ giới thiệu tới các mẹ một bài thực hành đơn giản mà rất hữu ích – lắng nghe tỉnh thức.
Lắng nghe tỉnh thức là gì?
Lắng nghe tỉnh thức là đưa sự chú ý trọn vẹn từng khoảnh khắc tới người đang nói với một tâm trí không phán xét. Mục tiêu của việc lắng nghe tỉnh thức là làm im lặng những tạp âm bên trong suy nghĩ của chính bạn, để bạn có thể nghe được toàn bộ thông điệp và để người nói cảm thấy được thấu hiểu.
Chú ý trọn vẹn nghĩa là không nghĩ tới chuyện khác khi đang nghe. Bạn có thể nhắc lại những gì đã nghe, kết nối những tình tiết của câu chuyện nhưng không mở rộng. Bạn cũng có thể quan sát được những biểu hiện trên khuôn mặt, cơ thể của người nói và thậm chí cảm nhận được những cảm xúc của họ khi nói.
Không phán xét, nghĩa là không suy diễn, phỏng đoán khi nghe xong một chi tiết; không gắn những điều vừa nghe với những “nhãn dán” hay cá tính của người nói.
Lắng nghe tỉnh thức có rất nhiều lợi ích, có thể kể đến như:
- Tăng sự tự nhận thức
- Tăng khả năng ghi nhớ thông tin
- Tăng chỉ số thông minh cảm xúc (EQ)
- Nuôi dưỡng sự đồng cảm & lòng trắc ẩn
- Tạo ra các mối quan hệ chất lượng
Thực hành lắng nghe tỉnh thức
Bạn có thể thực hành theo cặp với một thành viên trong gia đình. Đặt những thứ có thể khiến bạn phân tâm như điện thoại, máy tính… sang một bên để tạo không gian và tâm thế thoải mái trước khi bắt đầu. Một người nói và một người sẽ nghe trong ba phút, đổi vai trong ba phút tiếp theo. Nếu không còn gì để nói, người nói có thể ngồi yên lặng và tiếp tục nói lại bất cứ khi nào sẵn sàng. Việc của người nghe sẽ là lắng nghe với sự chú ý hoàn toàn vào người nói; hạn chế tối đa việc nói, ngắt lời, đặt câu hỏi, hay dẫn dắt người nói. Bạn có thể thừa nhận bằng biểu cảm trên khuôn mặt hoặc gật đầu, hoặc nói “Tôi hiểu” nhưng không thừa nhận quá mức. Khi kết thúc cả hai cùng chia sẻ cảm nhận của mình về trải nghiệm này.
Khi thực hành lắng nghe cùng con, tùy vào độ tập trung chú ý của con, bạn có thể bắt đầu với những câu ngắn & đơn giản trước. Yêu cầu con nói với bạn điều gì đó; bạn lắng nghe cẩn thận và lặp lại những gì bạn đã nghe. Sau đó yêu cầu con lắng nghe cẩn thận trong khi bạn nói điều gì đó, và yêu cầu con lặp lại những gì con đã nghe thấy. Cứ thay phiên như thế và càng ở những lượt sau thì câu càng dài hơn. Khi kết thúc, hãy hỏi con xem trải nghiệm đó như thế nào? Dễ hay khó? Điều gì đã giúp con tập trung vào việc lắng nghe?
Nếu việc thực hành theo cặp không thuận tiện; khi một người thân nói chuyện với bạn, hãy hào phóng trao tặng cho người đó món quà là quyền được nói và sự chú ý trọn vẹn của bạn. Hãy lắng nghe một cách cẩn thận và chăm chú. Nếu sự chú ý của bạn đi lang thang, hoặc có bất cứ suy nghĩ hay cảm xúc nào nổi lên khi nghe, hãy chỉ quan sát chúng; rồi nhẹ nhàng mang sự chú ý của bạn trở lại với người nói – họ quan trọng và xứng đáng có được thời gian và sự có mặt trọn vẹn của bạn.
“Món quà quý giá nhất chúng ta có thể trao cho người khác chính là sự hiện diện của chúng ta. Khi sự chú tâm bao bọc lấy những người chúng ta yêu thương, họ sẽ nở rộ như những đóa hoa.” (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
Hãy dành tặng những người bạn yêu thương một vài phút lắng nghe trọn vẹn mỗi ngày bạn nhé!
Nhiệm vụ đầu tiên của tình yêu thương chính là lắng nghe.
~ Paul Tillich ~
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Mommy As Coach - bản tin hàng tuần dành cho những người đang và sắp làm mẹ; mong muốn ứng dụng coaching để thấu hiểu, yêu thương chính mình; kết nối, hài hòa các mối quan hệ và tự tin làm mẹ theo cách riêng của mình.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Dương Cao, Women Well-being Coach đồng thời là Mẹ của hai em bé Mon (6 tuổi) và Miu (1 tuổi).
Hãy chia sẻ cho bạn bè nếu bạn cảm thấy yêu thích bản tin này nhé!