[Mommy As Coach 03] Thời gian cho bản thân hay thời gian dành cho con?
Bản tin tuần này sẽ chia sẻ tới các mẹ hai hiểu lầm thường gặp về "me-time" khi làm mẹ, đồng thời giới thiệu phương pháp "giờ cà chua" giúp các mẹ dành thời gian chất lượng cho con.
Nhu cầu có “me-time” (thời gian dành cho bản thân) ngày càng trở nên phổ biến, bởi chúng ta có nhu cầu nhiều hơn trong việc quay vào bên trong, kết nối và yêu thương chính mình. Tuy nhiên với những người mẹ, khái niệm này vẫn còn “xa xỉ”, khi quỹ thời gian 24h của mẹ xoay quanh con nhỏ & luôn bị lấp đầy bởi những việc không tên.
Trong bản tin Mommy As Coach tuần này, Dương sẽ chia sẻ tới các mẹ hai hiểu lầm thường gặp về “me-time” khi làm mẹ. Đó có thể là những rào cản tâm lý khiến các mẹ không sử dụng thời gian dành cho bản thân một cách hiệu quả.
Dành thời gian cho bản thân khi làm mẹ có phải là ích kỷ?
Khi có con, tất cả những ưu tiên trong cuộc sống của người mẹ gần như thay đổi hoàn toàn. Tình yêu và trách nhiệm chăm sóc một em bé dễ khiến cho người mẹ cảm thấy gần phải gắn kết với con 24/7, dẫn tới cảm giác “tội lỗi” khi không thể dành thời gian ở bên con. Tuy nhiên, cùng với việc làm mẹ, bạn cũng là một người phụ nữ - là một con người với tất cả những cảm xúc, suy nghĩ riêng; những mong muốn & nhu cầu cần được đáp ứng.
Dành thời gian cho bản thân là rất quan trọng, giúp bạn có thể làm mẹ tốt hơn. Những lợi ích có thể kể đến như:
Tái tạo năng lượng: Làm mẹ là một công việc full-time, và giống như bất cứ công việc nào khác, bạn cần có thời gian nghỉ ngơi để “sạc pin” cho mình. Bạn cần “làm đầy” mình trước khi có thể trao đi cho người khác.
Là hình mẫu cho con: Khi con quan sát bạn dành thời gian chăm sóc bản thân, theo đuổi mục tiêu, làm điều mình muốn; lòng quý trọng bản thân trong con cũng được nuôi dưỡng, cho con một nền tảng sức khỏe tinh thần lành mạnh.
Gia tăng kết nối: Bạn vừa có thể quay về bên trong kết nối và chăm sóc trạng thái của mình, các con cũng có cơ hội để kết nối với các thành viên khác trong gia đình.
Me-time khi làm mẹ có nhất thiết là “tách rời con” và “đi ra ngoài”?
Lợi ích của những khoảng me-time tách rời với con có chủ đích (như đi cafe, gặp gỡ bạn bè, đi dạo,…) là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khi bạn không thể nhờ ai khác chăm sóc con, hoặc hoàn cảnh (ví dụ như dịch bệnh) không cho phép bạn đi ra ngoài; việc không thể dành thời gian cho bản thân có thể khiến bạn trở nên bất mãn.
Mặt khác, nếu chỉ luôn tìm kiếm thời gian cho bản thân bằng những hoạt động hướng ra ngoài; thì rất có khả năng, khi quay trở về nhà, tiếp tục đối diện với thực tại “bỉm sữa” ngổn ngang, bạn sẽ cảm thấy không đủ, thậm chí muốn “chạy trốn” & do đó hoài nghi về lợi ích của me-time. Vậy, sử dụng me-time như thế nào để mang lại hiệu quả lâu dài chứ không chỉ là trong chốc lát?
Quản lý thời gian, thực chất là quản lý năng lượng. Những câu hỏi dưới đây sẽ là gợi ý giúp bạn áp dụng me-time hiệu quả hơn ở góc độ năng lượng:
Những hoạt động nào mang lại năng lượng cho bạn? Hãy liệt kê bất cứ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy thư giãn hoặc tràn đầy sức sống, trong cả ba khía cạnh thể chất – cảm xúc – tâm trí; hãy thực hiện chúng nhiều hơn!
Những hoạt động nào bạn có thể làm thường xuyên? Điều quan trọng của việc tái tạo năng lượng, là bạn cần làm nó thường xuyên. Nếu bạn để pin gần hết mới sạc, để bản thân kiệt sức hay trầm cảm, sẽ mất thêm nhiều thời gian và công sức để phục hồi. Với mình, việc dừng lại ba phút sau mỗi giờ đồng hồ cũng đủ để nạp lại năng lượng.
Những hoạt động nào bạn có thể thực hiện cùng con? Nếu không thể đến phòng tập; con có thể chính là cổ động viên kiêm bạn đồng hành nhí cùng tập với bạn tại nhà. Thỏa thuận với con về thời gian đọc sách cùng nhau; mẹ đọc sách của mẹ, con đọc sách của con cũng là một ý tưởng rất tuyệt. Tin mình đi, bạn sáng tạo và linh hoạt hơn bạn nghĩ đó!
Kết lại, me-time khi làm mẹ là thời gian để mỗi người mẹ chăm sóc & nuôi dưỡng bản thân, chuẩn bị & duy trì cho mình trạng thái tốt nhất; để có thể đưa ra những hồi đáp phù hợp trước những thách thức cũng như thực sự tận hưởng niềm vui trong mỗi trải nghiệm khi làm mẹ.
“Mẹ, mẹ nhìn con này! Mẹ, mẹ nghe con nói này!”
Con gái háo hức chạy vào khoe mẹ một khám phá mới. Mẹ, đang dở công việc trên máy tính, vội vàng bảo “Con chờ mẹ chút, mẹ làm xong việc đã nhé” – còn chẳng quay sang nhìn con; khi xong việc thì thấy con đã chạy đi mất rồi. Lần khác nữa, mẹ ý thức hơn, đặt điện thoại xuống để nghe con nói, nhưng rồi nghe tai nọ lọt qua tai kia, vì trong đầu còn bề bộn bao nhiêu việc khác cần nghĩ.
Mỗi lần như vậy, mình vừa thấy có lỗi với con, vừa tự trách mình. Cảm giác này, cùng những câu nói của con cứ lặp đi lặp lại trong đầu, chính là động lực khiến mình thay đổi – để dành thời gian chất lượng cho con.
Nếu bạn cũng có cùng mong muốn giống mình, thực hành Giờ cà chua (*) mình chia sẻ dưới đây có thể sẽ hữu ích với bạn. Giờ cà chua là khoảng thời gian bạn dành riêng & tập trung cho việc chơi & kết nối cùng con.
Những lưu ý quan trọng
Trước khi bắt đầu, có một số lưu ý quan trọng bạn cần nắm.
Xác định ưu tiên: Việc chơi với con xứng đáng nhận được sự ưu tiên của bạn, chứ không phải việc bạn “tranh thủ” làm giữa những khoảng trống trong lịch làm việc của mình. Hãy sắp xếp một khoảng thời gian dành riêng để chơi cùng con.
Làm một việc một lúc: Làm nhiều việc một lúc - nhất là khi ở cạnh con, dễ khiến chúng ta thấy áp lực, căng thẳng, cáu kỉnh khi mọi thứ không được chỉn chu & trong tầm kiểm soát. Đa nhiệm thực chất là chuyển đổi sự tập trung giữa các nhiệm vụ rất nhanh & liên tục, khiến não bộ trở nên quá tải. Vậy nên, khi không để việc nào khác xen vào khoảng thời gian bạn dành cho con; bạn sẽ kiểm soát được trạng thái của mình.
Thời gian linh hoạt: Không có khoảng thời gian cố định cho mỗi giờ cà chua, đó hoàn toàn do bạn quyết định và sắp xếp. Bạn không cần tự tạo thêm áp lực cho quỹ thời gian vốn đã eo hẹp khi làm mẹ. Năm phút chất lượng dành cho con có ý nghĩa hơn rất nhiều một giờ ở bên cạnh con nhưng tâm trí bận rộn với những công việc khác. Điều có ý nghĩa với con nhất chính là sự hiện diện trọn vẹn của bạn!
Các bước tiến hành
Chuẩn bị: Chuẩn bị không gian, tạm cất điện thoại, máy tính… để đỡ phân tâm; bật một bản nhạc hay mua trước đồ uống yêu thích của hai mẹ con. Nếu bạn có hẹn con chơi một hoạt động cụ thể, hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng. Nếu bạn không muốn lên kịch bản; hãy đơn giản thả lỏng để con dẫn dắt bạn, bởi chơi đùa chính là “nghề” của các con.
Điều quan trọng khác là chuẩn bị “không gian nội tâm” cho mình. Một lời khẳng định “Tôi muốn dành 10 phút sắp tới để có mặt trọn vẹn cùng con” được nói ra hoặc viết xuống sẽ giúp định hướng sự tập trung của tâm trí.
Tiến hành: Từ khóa quan trọng trong mỗi giờ cà chua là HIỆN DIỆN. Mỗi lúc phát hiện ra tâm trí đi lang thang, hãy nhẹ nhàng kéo tâm trí về bằng cách hít thở, tập trung vào các giác quan của bạn. Bạn có thể xoa hai tay vào nhau – cảm nhận cảm giác trên các đầu ngón tay, hít hà “mùi của con”, nhìn sâu vào mắt con, lắng nghe tiếng con cười & những âm thanh xung quanh: tiếng quạt quay, tiếng đồ chơi con gõ xuống sàn lạch cạch… Chỉ một, hai phút như vậy, rồi tự nhắc mình “Điều quan trọng nhất với tôi lúc này, là tận tưởng khoảng thời gian bên con.” Bạn đang không “hy sinh” thời gian của mình dành cho con; bạn đang làm điều bạn muốn, vậy nên hãy tận hưởng nó!
Kết thúc: Sau mỗi giờ cà chua, hãy chúc mừng bản thân vì những nỗ lực dù là nhỏ nhất; tự thưởng cho mình một vài phút nghỉ ngơi, thư giãn tâm trí trước khi quay lại với những công việc khác. Nếu con bạn đã lớn một chút, bạn cũng có thể “check-in” cảm xúc với con về trải nghiệm vừa rồi và cùng con lên kế hoạch cho những giờ cà chua tiếp theo.
Không chỉ có ích lợi nuôi dưỡng kết nối với con, giờ cà chua còn đem lại cho chính bạn niềm vui và năng lượng tích cực.
Chúc bạn và các con sẽ có những giờ cà chua chất lượng bên nhau!
(*) Giờ cà chua lấy cảm hướng từ phương pháp quản lý thời gian POMODORO được sáng tạo bởi Francesco Cirillio vào năm 1980; nhằm nâng cao sự tập trung và hiệu suất công việc bằng cách phân chia thời gian thành những phiên làm việc ngắn (25 phút/phiên) và xen kẽ là các khoảng nghỉ (từ 3-5) phút để tái tạo năng lượng.
“Your children don’t want to have a perfect mom; they just want a happy one.”
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Mommy As Coach - bản tin hàng tuần dành cho những người đang và sắp làm mẹ; mong muốn ứng dụng coaching để thấu hiểu, yêu thương chính mình; kết nối, hài hòa các mối quan hệ và tự tin làm mẹ theo cách riêng của mình.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Dương Cao, Women Well-being Coach đồng thời là Mẹ của hai em bé Mon (6 tuổi) và Miu (1 tuổi).
Hãy chia sẻ cho bạn bè nếu bạn cảm thấy yêu thích bản tin này nhé!