Làm mẹ - Nỗi sợ hãi hạnh phúc nhất trên đời
Những chiêm nghiệm về cuốn sách "Một giờ của mẹ mỗi ngày" - Tác giả: Jihye Kim
Chào bạn,
Dương đã trở lại với bản tin sau một ngày nghỉ lễ dành trọn vẹn thời gian cho gia đình và bạn bè. Mong rằng bạn cũng đã có một ngày nghỉ thư thái và dễ chịu. 😊
Khi tìm hiểu về matrescence - một tiến trình chuyển đổi tự nhiên mà bất cứ người mẹ nào cũng trải qua để khám phá và kiến tạo chính mình, tôi nghĩ thật tốt nếu những người mẹ mới có được sự đồng cảm và dẫn dắt để đi qua giai đoạn chuyển giao này một cách bình an và vững vàng. Tôi may mắn đã tìm thấy những điều đó khi đọc cuốn sách cuốn sách “Một giờ làm mẹ mỗi ngày” của tác giả người Hàn Quốc Jihye Kim.
Bởi vậy, trong bản tin tuần này, tôi muốn giới thiệu tới những người mẹ cuốn sách này cùng một số chiêm nghiệm cá nhân sau khi đọc sách.
“Nuôi dạy con khôn lớn, có vẻ tôi cũng dần biến mất”
Lời đề từ này chạm đến trái tim tôi, giữa lúc tôi cũng đang loay hoay tìm cách để cân bằng lại cuộc sống và công việc sau khi sinh em bé thứ 2. Tôi đã đặt mua ngay lập tức và qua mỗi trang sách, tôi thấy trái tim mình thổn thức và rộng mở hơn.
Cuốn sách là hành trình truyền cảm hứng của chính tác giả Jihye Kim - một chuyên gia khai vấn (coach) và cũng là một người mẹ - từ chỗ “24 không còn là chính mình” khi bắt đầu làm mẹ; tới việc từng bước tự tạo dựng thời gian cho bản thân, gặp gỡ “cái tôi hoàn hảo trong tâm hồn”; khám phá chính mình để vẽ nên tương lai, để sống như một người vô cùng tin tưởng và yêu thương bản thân mình; và rồi tiếp tục lan tỏa những điều đó tới những người mẹ khác.
Là một người Coach, tôi vừa quen thuộc vừa thích thú với cách tác giả ứng dụng các công cụ coaching trong các khía cạnh làm mẹ một cách đơn giản và tài tình. Tôi đã ứng dụng nhiều bài tập trong đó để cắt tỉa lại cuộc sống của mình khi làm mẹ. Và tôi hoàn toàn tin tưởng bạn sẽ nhận được những chỉ dẫn thiết thực để từng bước sắp xếp thời gian và tìm lại chính mình.
Là một người mẹ, tôi bắt gặp chính mình trong những câu chuyện làm mẹ của tác giả cùng chia sẻ của những người mẹ khác về những thay đổi trước và sau khi dành một giờ mỗi ngày chăm sóc bản thân. Không màu mè, không tô vẽ nhưng cũng không bi quan tiêu cực. Những sự thật khi làm mẹ được chia sẻ một cách chân thực trong ánh sáng ấm áp của sự bao dung với bản thân và thấu cảm với những người mẹ khác.
#1 - Những nghịch lý của việc làm mẹ
Tựa đề của bản tin hôm nay là một câu nói của Andrea Buchanan được tác giả trích dẫn trong những chương đầu tiên. Và nó là một lời mô tả không thể chính xác hơn. Phải đến khi làm mẹ thì bạn mới trải nghiệm đồng thời những góc độ của hạnh phúc và sợ hãi mà bản thân trước khi chưa từng biết đến. Sự biến động đột ngột về mặt cảm xúc từ thái cực này sang thái cực khác làm nảy sinh nỗi bất an. Việc chịu trách nhiệm hoàn toàn cho một sinh mệnh bé nhỏ chỉ biết dựa vào mình là một điều thật nặng nề, nhưng cùng lúc, cũng thật tôn nghiêm. Chưa kể những tiêu chuẩn kép của xã hội khiến những người mẹ vật lộn với mong muốn trở thành "một người mẹ tốt” mà quên mất bản thân mình.
Ở giữa những thái cực ấy, những người mẹ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Kéo căng bản thân mình chỉ càng khiến họ kiệt sức và việc làm mẹ trở thành một cuộc chiến. Chính bởi vậy, những người mẹ càng cần dịu dàng và ôm ấp bản thân nhiều hơn.
#2 - Chỉ cần thật lòng mong muốn thì không gì là không thể
Tác giả - từ một người mẹ “cứ bám chặt lấy lũ trẻ không buông”, khi nhận ra “bản thân mình dường như biến mất”, đã quyết tâm thay đổi để dậy sớm đọc sách. Cô đã bền bỉ cố gắng vượt qua những khó khăn trong suốt quá trình ấy, khi con liên tục thức dậy nhiều lần vào sáng sớm để tìm mẹ, bản thân cảm thấy bất an và nhiều hôm mí mắt cứ sụp xuống không sao tập trung được… Rồi dần dần cô viết blog, tổ chức các buổi huấn luyện cho những người mẹ khác và trở thành một nữ CEO độc lập.
Một người mẹ khác luôn hết lòng vì con, cả ngày quanh quẩn chăm con tới kiệt sức nhưng không muốn gửi con tới trường chỉ vì lo con không thích ứng được với môi trường lạ lẫm; sau một thời gian lại có thể sẵn sàng nhờ mẹ trông hộ con để tới buổi họp mặt với những người mẹ khác, đăng ký theo học một trường đại học online mình từng bỏ dở trước kia, thậm chí còn bắt đầu đi làm kiếm tiền trở lại.
Điều gì đã khiến họ tạo ra những thay đổi đó? Giữa khoảng hoang mang hỗn độn của việc “đánh mất chính mình”, câu hỏi “Điều mình muốn làm nhất là gì?” chính là ánh sáng lóe lên dẫn lỗi cho những người mẹ. Lắng nghe tiếng nói từ tâm hồn mình, nhận ra những điều mình thực sự muốn làm và nỗ lực hết mình để lấp đầy niềm khao khát đó - những điều ấy mang lại cho họ sức sống, niềm hạnh phúc và hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Và nó bắt đầu từ một việc tưởng như rất đơn giản - dành ra một khoảng thời gian nhỏ trong cuộc sống bận bịu hàng ngày cho riêng mình.
“Trong lúc con lớn, tôi muốn bản thân mình cũng được lớn lên.”
Chính sức sống ấy, sự tha thiết ấy là động lực lớn nhất khiến tác giả “nắm chặt lấy khoảng thời gian nhìn lại chính mình này như một nghi thức bắt buộc phải có trong đời.”
#3 - Sự tiếp sức từ những người mẹ khác
Hành trình tìm lại chính mình của mỗi người mẹ luôn cần đến sự tiếp sức của những người mẹ khác, những người thấu hiểu, đồng cảm và sẵn lòng nâng đỡ họ.
Chính tác giả khi nhận ra mình cần thay đổi, vì không có đủ tự tin để bắt đầu một mình, cô đã viết một dòng tin nhắn trên diễn đàn nuôi dạy trẻ, đề xuất đóng góp khả năng huấn luyện của mình cho hội thảo dài 3 tiếng vào mỗi tháng dành cho những người mẹ. Buổi hội thảo đầu tiên diễn ra tại chính phòng khách nhà cô với 10 người mẹ và 10 đứa trẻ và tiếp tục diễn ra nhiều tháng sau đó. Dù thời gian ít ỏi nhưng cảm giác thỏa mãn trong việc chia sẻ về những lo lắng cũng như ước mơ của nhau đã tiếp thêm sức mạnh cho họ.
Với Semin - một người mẹ chỉ ở nhà chăm con cho tới khi con được 8 tháng tuổi, những buổi họp nhóm online của những bà mẹ giống như cơn mưa rào trong ngày hạn hán. Khi cô dành thời gian mỗi tuần gặp gỡ các bà mẹ có kinh nghiệm khác, cô nhận ra sự thật rằng “tạo ra cuộc sống tốt đẹp cho người mẹ mới chính là cách nuôi dạy con tốt nhất.”
Những người mẹ giống như những người đồng đội của nhau, cùng xây dựng nên một mối quan hệ ngang bằng, tự nguyện và bền chặt mà ở đó, họ không còn cảm thấy cô đơn, họ được khích lệ để tự tin tạo ra những thay đổi tích cực cho bản thân mình.
Cuốn sách này là một trong những nguồn cảm hứng để tôi thiết kế và dẫn dắt thử thách “New habit - New me, 21 ngày gặp gỡ tôi trọn vẹn” ở Mom Village. Thử thách diễn ra trong 3 tuần, từ ngày 15/4 - 5/5/2024. Thông qua việc dành cho bản thân 15 phút mỗi ngày với những thực hành nhỏ xen kẽ giữa Tĩnh lặng – Chiêm nghiệm – Hoạt động, bạn sẽ được gặp gỡ chính mình ở cả 3 chiều thời gian tương ứng với 3 chặng của thử thách:
Tuần 1: EMBRACING – Ôm ấp tôi của hiện tại
Tuần 2: RECONNECTING – Kết nối với tôi của quá khứ
Tuần 3: DISCOVERING – Khám phá tôi của ngày sau
Và điều đặc biệt là, bạn không phải đi hành trình này một mình. Có cả một ngôi làng của những người mẹ với rất nhiều sự đồng cảm, yêu thương và nâng đỡ sẽ đồng hành cùng bạn!
Nếu bạn cũng có mong muốn dành thời gian cho bản thân và tìm lại chính mình khi làm mẹ, hãy ghé qua Mom Village và tham gia cùng chúng mình nhé. Thử thách mới diễn ra tới ngày thứ 5, và còn rất nhiều điều đang chờ đón ở những chặng tiếp theo. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu bất cứ lúc nào, bởi không bao giờ là quá muộn để kết nối và yêu thương chính mình, đúng không? :’)
Dương sẽ rất vui khi được đồng hành cùng bạn trên hành trình đó!
Much love & Gratitude <3