Khám phá bản thân từ trải nghiệm sinh nở của bạn
MV#22: "Sinh nở không chỉ là một khoảnh khắc; nó là một cuộc hành trình suốt đời để mở ra và trở thành." - Sarah Buckley
“Chúc mừng bạn đã mẹ tròn con vuông.”
Đây hẳn là lời chúc mừng các mẹ thường nhận được nhiều nhất sau mỗi ca sinh nở. Quan niệm phổ biến cho rằng, miễn là người mẹ và em bé sống sót, an toàn và tương đối khỏe mạnh là cuộc sinh đã thành công. Thực tế là, mỗi cuộc sinh nở chứa đựng nhiều điều hơn thế. Cách cuộc sinh diễn ra ảnh hưởng tới cách chúng ta đi suốt hành trình làm mẹ; cách ta nhìn nhận bản thân mình trong vai trò là một phụ nữ, con gái, người mẹ và người vợ.
Muốn hiểu về những trải nghiệm sau sinh, trước hết bạn cần hiểu về kinh nghiệm sinh nở của mình. Đừng vội vàng bỏ qua, cũng đừng cố gắng che giấu; mà hãy mở lòng khám phá những bí ẩn tiềm tàng trong câu chuyện sinh nở của bạn.
Tác động của trải nghiệm sinh nở lên sức khỏe tâm lý của người mẹ
"Sau khi trải qua một cuộc sinh nở khó khăn, tôi đã cảm thấy rất lo lắng và trầm cảm. Tôi không thể ngủ được và cảm thấy mình không đủ mạnh mẽ để chăm sóc con. Tôi đã cần phải điều trị tâm lý để giúp tôi vượt qua những cảm giác này."
"Khi sinh con, tôi đã phải đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe và đau đớn. Tôi đã bị mắc kẹt trong phòng sinh trong nhiều giờ đồng hồ và cảm thấy rất bất an và lo lắng. Sau khi sinh con, tôi cảm thấy mình rất yếu và mất kiểm soát.”
Chia sẻ của các mẹ trên đây chỉ ra rằng, những trải nghiệm sinh nở có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe tâm lý của người mẹ giai đoạn sau sinh; đặc biệt với những cuộc sinh gặp nhiều khó khăn. Những sự kiện xảy ra trong cuộc sinh liên quan tới cảm nhận về sự tự chủ, sự nhạy cảm của người mẹ, hay sự hỗ trợ của những người xung quanh… có thể trở đi trở lại với nhiều cảm xúc dồn dập. Ngay cả những cuộc sinh diễn ra theo đúng kế hoạch, cả mẹ và em bé đều “ổn”, sẽ vẫn có những cảm xúc, cảm giác họ không được chuẩn bị để đối mặt ngay lập tức. Cảm giác mất kiểm soát, bất an, lo lắng… chưa được xử lý sẽ theo họ trong suốt những năm tháng làm mẹ sau này.
Tuy nhiên, ở góc độ khác, phía sau trải nghiệm sinh nở còn ẩn chứa rất nhiều nguồn lực chưa được khám phá. Trong khi sinh con, có những khoảnh khắc mấu chốt khi chúng ta phải đối mặt với chính mình ở mức độ sâu sắc hơn và đối mặt với những trở ngại không lường trường được thử thách sức mạnh của chúng ta. (Kimbley Ann Johnson) Bởi vậy, nhìn lại trải nghiệm sinh nở chính là cơ hội để bạn kết nối với bản thân, khám phá những xu hướng chưa biết đến, những nhu cầu và sức mạnh bên trong mình.
Phần nào trong trải nghiệm sinh nở của bạn vẫn còn khiến bạn băn khoăn hay mong muốn việc đó khác đi? Bạn cảm thấy thế nào về bản thân trong mỗi cuộc sinh? Bạn cảm thấy thế nào về chồng của mình khi nghĩ về ca sinh nở đó? Bạn cảm thấy thế nào về sự kết nối với em bé khi xem xét cuộc sinh ấy? Hãy dành thời gian suy ngẫm về những câu hỏi này nhé!
Kể lại trải nghiệm sinh nở của bạn
Kể lại câu chuyện sinh nở của bạn là một thực hành đầy sức mạnh, giúp bạn vượt qua trải nghiệm sinh nở nhanh hơn, làm giảm các triệu chứng mệt mỏi và trầm cảm sau sinh. Kể lại trải nghiệm sinh nở còn mang đến cho bạn sự hiểu biết về mối liên kết mẹ con hay mối dây giữa bạn và chồng trong quá trình đó; giúp bạn kết nối vởi bản thân, gia tăng sự trưởng thành về mặt cảm xúc và tinh thần, cho bạn sức mạnh để đi tiếp hành trình làm mẹ.
Kate Middleton từng chia sẻ, cô đã trải qua những cơn đau quá mức và gặp khó khăn trong việc sinh con, khiến cô cảm thấy không kiểm soát được tình huống. Những cảm giác sợ hãi và lo lắng cô đã trải qua trong suốt quá trình này đã ảnh hưởng đến tâm trạng của cô sau khi sinh con. Tuy nhiên, Kate Middleton đã quyết định chia sẻ trải nghiệm của mình để giúp đỡ các người mẹ khác hiểu rõ hơn về những “sang chấn” khi sinh nở và cách giải quyết vấn đề này. Việc đó cũng giúp cô cảm thấy nhẹ nhàng hơn, và khám phá ra khả năng “làm chủ tâm trí” đã giúp cô vượt qua những khoảnh khắc khó khăn như thế nào.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, những lo lắng sau sinh hay các hiện tượng trầm cảm sẽ giảm đáng kể khi phụ nữ kể lại câu chuyện trần trụi của họ trong vòng 48 giờ sau sinh. Tuy nhiên, bất kể thời điểm nào, dù là bạn đang phục hồi, hãy tận dụng cơ hội để kể lại câu chuyện đi sinh của bạn. Ngay cả khi bạn đã từng làm việc này trước đây, cũng rất hữu ích để tiếp tục khám phá câu chuyện thêm lần nữa xem có điều gì đã thay đổi.
"Sinh nở không chỉ là một khoảnh khắc; nó là một cuộc hành trình suốt đời để mở ra và trở thành." - Sarah Buckley
Có nhiều cách để kể lại câu chuyện đi sinh của bạn. Điều quan trọng không phải là kể lại mọi chi tiết theo đúng trình tự thời gian, mà là kể lại những giây phút có ý nghĩa và cách bạn cảm thấy thế nào trong suốt những giây phút ấy. Hãy đặt một tay lên trái tim, một tay lên bụng, hít thở một vài hơi thở sâu, để tâm trí được thoải mái và kể lại câu chuyện từ trái tim của bạn; thông qua bất cứ hình thức nào bạn cảm thấy kết nối nhất. Dưới đây là một vài gợi ý:
Viết xuống 10 – 15 phút liên tục không nhấc bút khỏi giấy, những ý nghĩ và cảm giác mà bạn có trong suốt thời gian lâm bồn và sinh con. Điều quan trọng là bạn mô tả những cảm xúc và những ý nghĩ sâu kín nhất mà thậm chí bạn không kể với bất kỳ ai; để cho bản thân mình trải nghiệm và tiếp xúc với chúng.
Vẽ lại một vài khoảnh khắc quan trọng trong cuộc sinh của bạn; sử dụng bút chì màu và sáp hay bất cứ chất liệu nào khác. Không vội vàng dán nhãn tích cực/tiêu cực cho những khoảnh khắc ấy mà cho phép tay bạn chuyển động tự nhiên trên trang giấy.
Thu âm lại câu chuyện của bạn – lưu lại trong điện thoại cho riêng mình hoặc kể lại câu chuyện với một ai khác bạn thực sự tin tưởng.
Nếu bạn cần một không gian an toàn để chia sẻ câu chuyện của mình, hãy thử ghé thăm Mom Village – Nuôi dưỡng người mẹ mới. Đây là ngôi làng của những người mẹ - cộng đồng do Dương và
đồng sáng lập; với không gian an toàn, tích cực và rất nhiều yêu thương. Bạn sẽ được chào đón bằng những nụ cười thân thiện, những cái chạm tay cảm thông & những cái ôm ấm áp. Ở làng, bạn có thể chia sẻ (ẩn danh) câu chuyện của mình trong Khu vườn bí mật; hoặc ghé qua tiệm trà Mommy Tea Room, nơi Dương & Chi sẽ lắng nghe bạn với sự hiện diện trọn vẹn.Câu chuyện sinh nở của tôi
Tôi là một người mẹ sinh mổ hai lần. Khi sinh con đầu lòng; sau những nỗ lực sinh thường không thành công – suốt hơn một ngày rưỡi mà em bé ngôi thai cao không chịu xuống, tôi được chuyển mổ cấp cứu. Ra khỏi phòng hậu phẫu, biết tin con phải tách mẹ sang khoa Nhi điều trị kháng sinh ba ngày do nước ối có phân su, tôi òa khóc… Cứ nghĩ đến cảnh con bé bỏng nằm một mình trong nôi là thấy thương con vô cùng. Nhưng có lẽ vì vậy, tôi có thêm động lực để hồi phục nhanh hơn. Tôi tập đi ngay hôm sau để mỗi ngày hai lần sang gặp con. Tôi hút sữa mà không đủ tráng bình nên vắt tay sữa non vào xi lanh mang sang cho con – lần đầu chỉ có… 5ml, rồi 10ml. Cứ thế rồi ba ngày sau, hai mẹ con được về nhà.
Đến khi bầu lần hai, rút kinh nghiệm, tôi mạnh dạn chọn sinh mổ chủ động. Mọi việc đều thuận lợi, trừ việc tôi phải chia tay chồng từ rất sớm. Nằm ở phòng chờ mổ cùng với một mẹ khác mà nghe tim đập nhanh, tôi phải tập trung hít thở để bình tĩnh lại. Trong phòng mổ toàn một màu xám lạnh, xung quanh là tiếng trao đổi rì rầm của ekip phẫu thuật, tiếng dao kéo va vào nhau lạnh toát. Thời gian lúc đó trôi qua thật chậm. Dù ekip hỗ trợ phẫu thuật rất nhẹ nhàng với tôi, luôn hỏi han tôi mỗi lúc thăm khám hay chuẩn bị cho ca mổ, nhưng có những lúc tôi rơi nước mắt. Lần đầu tiên tôi được gây tê tủy sống, có vẻ tôi đã hơi vội vàng trả lời bác sỹ gây mê về cảm giác của mình nên thuốc tê chưa ngấm hết. Khi tiến hành mổ, tôi vẫn cảm nhận được từng lúc chuyển động của bác sỹ trên bụng (dù không thấy đau), tới khi em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ thì tôi đau quá, hét lên rồi lịm đi, chỉ kịp nghe thấy lời bác sỹ gây mê nói “tiêm thêm 1 liều nữa”; tỉnh dậy thì thấy con đang nằm trên ngực, hai hàng nước mắt lại chảy dài. Tới giờ, tôi vẫn nhớ như in cảm giác cô đơn, trần trụi, mong manh và cơn đau bất ngờ lần vượt cạn ấy. Thấy thương mình vô cùng…
Nếu được quay lại lần sinh đầu tiên, tôi ước là tôi đã chọn sinh mổ sớm hơn, để mẹ không mất sức và con cũng không bị tách mẹ gái. Nếu được quay lại lần sinh thứ hai, tôi ước là chồng tôi có thể ở bên cạnh tôi lâu hơn, và tôi chờ thêm thời gian để thuốc tê thật ngấm. Nhưng trên hết, tôi hiểu rằng, không sao cả khi mọi thứ không diễn ra theo kế hoạch hay không giống những gì tôi nghĩ. Quan trọng là tôi đã cố gắng làm tốt nhất có thể trong mỗi thời điểm đó.
Khi viết lại hành trình sinh nở của mình, dù mắt vẫn nhòe đi nhưng lòng tôi tràn đầy biết ơn. Biết ơn anh lái taxi đưa tôi vào viện đã đi thật cẩn thận để tôi không bị xóc; biết ơn bạn hộ lý trẻ đã không ngại vắt sữa bằng tay giúp tôi chắt chiu từng giọt sữa non vào xi lanh; biết ơn cô lao công bệnh viện sáng sớm thấy tôi vào đã gửi lời chúc bình an cho hai mẹ con, biết ơn bác sỹ gây mê hôm đó đã thật dịu dàng ôm mặt tôi động viên: “Em đau lắm đúng không, cố chút nữa nhé, con sắp ra rồi”. Biết ơn các bác sỹ và ekip mổ cả hai lần đã giúp tôi mẹ tròn con vuông. Biết ơn gia đình – đặc biệt là chồng đã luôn ở cạnh chăm sóc & động viên tinh thần. Và biết ơn chính mình – vì đã thật nỗ lực, can đảm và bền bỉ trong lần sinh đầu tiên; và đã hiện diện trọn ven với bản thân ở lần sinh thứ hai. Thật kỳ lạ là ở lần sinh thứ hai, chính trong cảm giác cô đơn, mềm yếu ấy, tôi lại thấy mình được “làm chủ” hơn. Sự “làm chủ” đến từ sự cho phép bản thân được trải nghiệm mọi cảm giác trong cuộc sinh; quan sát & ghi nhận cảm xúc, suy nghĩ của mình mà không phán xét; ôm ấp chính sự mong manh của mình bằng sức mạnh của tình yêu, sự thấu cảm & bao dung. Đây cũng là tâm thế tôi tiếp tục mang theo trên hành trình làm mẹ
Mỗi cuộc sinh nở là một chuyến du hành độc nhất. Kể lại câu chuyện của mình, tôi mong muốn góp thêm một tiếng nói để những người mẹ có thêm cảm hứng khám phá trải nghiệm sinh nở của bản thân; để kết nối sâu sắc và đánh thức những sức mạnh bên trong mình khi làm mẹ.
"Birth is not only about making babies. Birth is about making mothers - strong, competent, capable mothers who trust themselves and know their inner strength."
"Sinh nở không chỉ là tạo ra em bé. Sinh nở tạo ra những người mẹ - những người mẹ mạnh mẽ, giỏi giang, đảm đang, tin tưởng vào bản thân và biết rõ sức mạnh bên trong mình."
~ Barbara Katz Rothman ~