[Mommy As Coach 14]Cơ thể sau sinh của bạn cần điều gì?
Thay vì thúc ép bản thân ăn kiêng hay tập luyện giảm cân càng sớm càng tốt vì cảm thấy chán ghét cơ thể hiện tại; hãy kiên nhẫn và bao dung hơn với chính bạn và cơ thể của bạn.
Có lúc nào bạn cảm thấy thật tệ khi nhìn mình trong gương, với chiếc bụng xổ chằng chịt những vết rạn, bầu ngực chảy xệ đang rỉ sữa, da sạm màu và những đường cong thì biến mất; bạn không còn nhận ra chính mình & cảm thấy nhớ cơ thể mình ngày trước? Nếu câu trả lời là có, thì bạn không hề cô đơn – bất cứ người phụ nữ nào khi làm mẹ cũng từng trải qua những khoảnh khắc như vậy.
Sau khi sinh con, cơ thể của người mẹ tiếp tục thay đổi hình dạng, cân nặng lên xuống, các cơ quan bên trong co lại và di chuyển trở về đúng vị trí của chúng. Những thay đổi này thật đáng kinh ngạc, nhưng cũng khiến cho các mẹ cảm thấy bối rối, tự ti; căng thẳng với áp lực lấy lại vóc dáng càng nhanh càng tốt.
Sự thật là cơ thể của bạn sẽ không phục hồi sau một đêm, nhưng có những cách thức giúp bạn thích nghi với những thay đổi này, cả về thể chất và tinh thần.
Trân trọng những điều kỳ diệu cơ thể đã làm cho bạn
Bạn có biết, trong suốt thai kì, cơ quan nội tạng của bạn bị kéo giãn hơn năm lần so với kích thước bình thường? Nếu bạn sinh thường, sàn chậu và âm đạo phải thay đổi hình dạng để mở rộng thành một đường sinh giúp em bé di chuyển ra ngoài, các cơ quan nội tạng khác cũng bị vặn xoắn theo các chiều kích, lớp da vùng đáy chậu cũng bị kéo căng hết mức. Nếu bạn sinh mổ, có ít nhất bốn lớp bị cắt: da, các mô kết nối, bắp thịt và cơ quan nội tạng. Chưa kể những cuộc xáo trộn lớn về hormone trước và sau khi sinh em bé.
Cơ thể bạn đã vượt qua các giới hạn một cách phi thường để nuôi dưỡng ban & mầm sống bên trong bạn; mang con bạn chào đời khỏe mạnh và tiếp tục chắt chiu dưỡng chất qua nguồn sữa mẹ để tiếp tục nuôi lớn con bạn. Những gì cơ thể bạn đã & đang làm thực sự là một điều kì diệu & xứng đáng nhận được sự trân trọng của bạn hơn bao giờ hết!
Cho cơ thể thêm thời gian phục hồi
Nếu bạn cảm thấy tự ti khi so sánh mình với các bà mẹ trên mạng xã hội – những người 8 tuần sau sinh bụng đã phẳng lỳ, thì hãy nhớ rằng thời gian phục hồi của ở mỗi phụ nữ là khác nhau và có thể chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như thai kỳ, thời gian chuyển dạ lâu hay chậm, chuyện gì đã xảy ra trong cuộc sinh, bạn đã mang thai bao nhiêu lần, chất lượng giấc ngủ của bạn và cả các yếu tố khác như dinh dưỡng, sự chăm sóc của người thân và thời gian bạn quay trở lại công việc. Cơ thể bạn đã mất hơn chín tháng để mang điều kỳ diệu đến với bạn; hãy cho cơ thể chừng đó thời gian (hoặc nhiều hơn thế) để tự chữa lành & tái tạo chính nó.
Hãy lắng nghe nhịp độ cơ thể bạn tại từng thời điểm để bổ sung dinh dưỡng và lựa chọn những hình thức vận động phù hợp. Bạn có thể bắt đầu với việc luyện thở, chuyển động nhẹ nhàng, sau đó là các bài tập phục hồi cơ sàn chậu. Nếu bạn thấy có bất kỳ sự khó chịu nào thì đó là dấu hiệu báo rằng cơ thể chưa thực sự sẵn sàng; hãy đợi vài ngày rồi bắt đầu lại. Nói tóm lại, thay vì thúc ép bản thân ăn kiêng hay tập luyện giảm cân càng sớm càng tốt vì cảm thấy chán ghét cơ thể hiện tại; hãy kiên nhẫn và bao dung hơn với chính bạn và cơ thể của bạn.
Ôm ấp chính mình
“Cơ thể của bạn chưa bao giờ rời bỏ bạn và đó là một cỗ máy ghi nhớ sống sộng đáng tin cậy của tất cả những gì bạn trải qua.” (Kimberly Ann Johnson) Hãy kết nối lại với cơ thể sau sinh của bạn thông qua việc chạm tay vào những bộ phận cơ thể bạn đang cảm thấy không thích nhất hay khiến bạn khó chịu nhất. Hít thở thật chậm và cảm nhận tất cả các xúc chạm, lắng nghe cảm xúc của chính mình và lắng nghe xem cơ thể đang muốn nói với bạn điều gì?
Mình sinh mổ 2 lần, vết mổ mỗi khi thay đổi thời tiết rất ngứa. Lần tay theo vết mổ ngang bụng, mảnh như một sợi len sần, thi thoảng gồ lên những đoạn chỉ chưa tiêu hết; mình nhớ lại cảm giác trong phòng mổ, hồi hộp theo từng vết dao chạm vào da thịt, đau đến chảy nước mắt khi con được đưa ra khỏi bụng mẹ và rồi sau đó là cảm xúc vỡ òa khi nghe thấy tiếng con khóc... Trong mình dâng lên một tình thương và cảm xúc biết ơn; vết mổ này - mình gọi là "đường sự sống".
Thời gian mang thai và sinh con chính là cơ hội tuyệt vời để mỗi người phụ nữ học cách kết nối, biết ơn và yêu thương cơ thể mình. Bất cứ khi nào nhìn mình ở trong gương, hãy tặng cho mình một nụ cười thật tươi và vòng tay ôm chính mình, bạn nhé!
Đã bao lâu rồi bạn không chủ động ôm và được ôm? Bạn thường ôm chồng, con và những người thân trong gia đình như thế nào?
Khoa học đã chứng minh sự kỳ diệu của những chiếc ôm, chúng giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, làm giảm stress, giảm trầm cảm, hạ huyết áp.... Những chiếc ôm cũng giúp cơ thể tiết ra hormone oxytocin – một loại hormone của tình yêu, góp phần tạo ra cảm giác tin tưởng và kết nối trong các mối quan hệ.
Sự ôm ấp vỗ về của mẹ cũng có vai trò đặc biệt quan trọng với sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ nhỏ. Theo Alice Sterling Honig, tiến sĩ của Đại học Syracuse, những bé không được vuốt ve thường có bộ não nhỏ hơn khoảng 20 phần trăm so với những bé được ôm ấp vỗ về. Những chiếc ôm giúp trẻ xoa dịu & ổn định cảm xúc, tăng cường sự tin tưởng & kết nối, liên kết rất mật thiết với khả năng cảm nhận được yêu thương của trẻ và giúp trẻ trân trọng giá trị của bản thân hơn.
Con gái lớn của mình luôn thích ôm mẹ, bất cứ lúc nào: trước khi đi ngủ, khi thức giấc, khi đi học về, khi ăn cơm, đang chơi vui cũng chạy ra ôm mẹ một cái rồi chơi tiếp, thậm chí cả lúc khóc lóc vì mẹ... phạt cũng lao vào ôm mẹ. Những khi cả nhà ôm nhau kiểu "bánh kẹp", con sẽ cười rất hạnh phúc, còn ba mẹ cũng cảm thấy được “sạc pin”. Và những cái ôm "làm lành" thì thường mang lại cho cả con và ba mẹ sự bình tĩnh và can đảm để nói lời xin lỗi.
Tuần này, hãy cùng cảm nhận sự kỳ diệu của những chiếc ôm thông qua thực hành phương pháp Thiền ôm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
“Ôm nhau trong ba hơi thở vào - ra. Với hơi thở thứ nhất, chúng ta ý thức rằng chúng ta đang có mặt trong giây phút này và chúng ta rất hạnh phúc. Với hơi thở thứ hai, chúng ta ý thức rằng người kia cũng đang có mặt trong giây phút này và người đó cũng rất hạnh phúc. Với hơi thở thứ ba, chúng ta ý thức rằng cả hai người cùng có mặt tại đây, ngay bây giờ, trên mặt đất này, chúng ta cảm được một niềm biết ơn sâu xa và vô cùng hạnh phúc là chúng ta đang có mặt cho nhau."
Ôm trong tỉnh thức có thể giúp ta mở rộng trái tim và kết nối trọn vẹn với người đối diện; mang lại sự hòa giải, trị liệu, cảm thông và hạnh phúc. Đó chính là món quà giản dị mà tuyệt vời bạn có thể dành tặng cho chồng/con và những người thân trong gia đình trong mùa yêu thương này.
Cảm ơn bạn đã chọn theo dõi bản tin Mommy As Coach - bản tin hàng tuần dành cho những người đang và sắp làm mẹ; mong muốn ứng dụng coaching để thấu hiểu, yêu thương chính mình; kết nối, hài hòa các mối quan hệ và tự tin làm mẹ theo cách riêng của mình.
Bản tin được xây dựng và phát triển bởi Dương Cao, Women Well-being Coach đồng thời là Mẹ của hai em bé Mon (6 tuổi) và Miu (1 tuổi).
Hãy chia sẻ cho bạn bè nếu bạn cảm thấy yêu thích bản tin này nhé!