Chìa khóa giúp người mẹ mới vượt qua cảm giác tội lỗi & tận hưởng trọn vẹn nghề làm mẹ
MV#25: Vượt qua cảm giác tội lỗi khi làm mẹ không phải là hành trình dễ dàng, nhưng hãy tin rằng trong bạn luôn có sẵn tình yêu, sức mạnh và sự bao dung để làm được điều đó!
Con gái đầu lòng của tôi là một em bé đặc biệt nhạy cảm. Con chỉ ngủ yên khi được bế ru hoặc nằm trên bụng mẹ; luôn có sự thận trọng khi tiếp xúc với người khác & mất khá nhiều thời gian để thích nghi với môi trường mới. Thời điểm sinh con, tôi cố gắng sinh thường nhưng thời gian chuyển dạ quá lâu nên chuyển mổ cấp cứu; con phải tách mẹ 3 ngày ngay sau sinh để điều trị vì nước ối có phân su. Tôi luôn cảm thấy có lỗi với con khi nghĩ điều đó đã tác động tới sự nhạy cảm của con. Con cũng không phải là một em bé bụ bẫm như những em bé khác, mỗi tháng con chỉ tăng 2-3 lạng. Áp lực từ gia đình và áp lực lần đầu làm mẹ khiến tôi tự dằn vặt bản thân vì không có đủ sữa cho con (trong khi thực tế tôi vẫn hút và có dư sữa trong tủ lạnh), hay tôi đã cho con bú sai cách? Đến khi sinh em bé thứ hai, tôi luôn trăn trở làm thế nào để không khiến con cảm thấy tủi thân hay bị thiếu thốn tình cảm từ mẹ. Mỗi khi con vào phòng tìm mẹ, tôi căng thẳng với việc ru em nhỏ ngủ mà to tiếng với con, nhìn con lủi thủi đi ra là tôi không kìm được nước mắt vì thương con và thấy mình thật tệ.
Cảm giác “có lỗi” và thấy mình “làm mẹ không đủ tốt” trở đi trở lại nhiều lần, trong nhiều thời điểm trên hành trình làm mẹ của tôi. Và đó là những biểu hiện của một hiện tượng tâm lý rất phổ biến mà bất cứ người mẹ nào cũng gặp phải – cảm giác tội lỗi khi làm mẹ (mom guilt).
Mom guilt là gì?
Mom guilt là cảm giác tội lỗi, lo lắng và thấy mình không đủ tốt của người mẹ sau sinh trong việc chăm sóc con cái và đáp ứng các vai trò khác trong cuộc sống. Đây là một trạng thái tâm lý bình thường, như Kelly Clarkson từng chia sẻ: Sự thật là người mẹ nào cũng trải qua cảm giác tội lỗi, nó giống như một phần trong mô tả công việc của “nghề làm mẹ”.
Cảm giác tội lỗi khi làm mẹ có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức: đi làm lại sớm sau sinh và không dành đủ thời gian cho con, cho con ăn đồ ăn nhanh, ngồi chơi với con mà vẫn cầm điện thoại xử lý công việc, thấy mình như được giải thoát khi đi làm vào thứ 2 sau cuối tuần chăm con ốm; cho con xem tivi/ipad để rảnh tay làm việc nhà… Danh sách này dường như có thể kéo dài vô tận.
Nguyên nhân dẫn tới cảm giác tỗi lỗi khi làm mẹ có thể đến từ những áp lực từ bên ngoài: những chuẩn mực văn hóa xã hội về vai trò của người phụ nữ trong gia đình; kỳ vọng của những người thân xung quanh; từ hình mẫu người mẹ hoàn hảo hay cuộc sống hoàn mỹ đến từ các phương tiện thông tin & mạng xã hội. Người mẹ bị đặt trong sự so sánh, từ cách nuôi dạy con, chăm sóc gia đình tới việc cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân; luôn cảm thấy lo lắng khi không thể đáp ứng nhu cầu và mong đợi của tất cả mọi người. Nguyên nhân khác đến từ áp lực bên trong người mẹ; từ những tiêu chuẩn và kỳ vọng không thực tế người mẹ đặt lên chính mình. Họ cảm thấy cần phải hoàn hảo trong mọi vai trò, quên rằng mình cũng chỉ là con người và có quyền được mắc lỗi, được nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân.
Mom guilt ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe tinh thần của người mẹ mới?
Mặc dù là trạng thái tâm lý bình thường, nhưng cảm giác tội lỗi khi làm mẹ khi không được nhận thức đầy đủ & kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tinh thần của người mẹ mới, có thể kể đến như:
Áp lực và căng thẳng tâm lý: Cảm giác tỗi lỗi khi làm mẹ là tổng hợp của rất nhiều trạng thái cảm xúc phức tạp, và thường dẫn tới những áp lực vô tận, căng thẳng tâm lý, suy nghĩ tiêu cực, mất ngủ, lo âu, thậm chí là trầm cảm.
Giảm tự tin và sự tự trọng: Cảm giác tội lỗi có thể khiến người mẹ luôn tự đặt câu hỏi về khả năng làm mẹ của mình, so sánh bản thân với người khác và nghi ngờ khả năng của họ trong việc đáp ứng đủ các yêu cầu và mong đợi của con cái.
Ảnh hưởng tới sự gắn kết mẹ con: Khi cảm thấy tội lỗi, người mẹ không thể tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt vời với con. Họ có thể tự trừng phạt bản thân bằng cách không cho phép mình được thư giãn hay tận hưởng những niềm vui nhỏ nhặt.
Ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình: Người mẹ có thể cảm thấy áp lực và đổ lỗi cho bản thân vì không đáp ứng được mong đợi của người khác, dẫn đến xung đột, căng thẳng & bất đồng quan điểm trong các mối quan hệ gia đình.
Mất cân bằng giữa công việc và gia đình: Người mẹ có thể cảm thấy không thoả mãn với mức độ chăm sóc họ đang dành cho con cái đồng thời cảm thấy áp lực trong việc đáp ứng nhu cầu công việc; việc cố gắng làm hết mọi thứ có thể dẫn tới tình trạng kiệt sức.
Làm cách nào để vượt qua cảm giác tội lỗi khi làm mẹ ?
Chìa khóa để đối diện và vượt qua cảm giác tội lỗi khi làm mẹ, chính là sự bao dung với bản thân (self-compassion). Sự bao dung với bản thân có thể được thực hành trong nhiều khía cạnh, dưới đây là một số gợi ý dành cho bạn.
Chấp nhận sự không hoàn hảo: Theo D.W. Winnicott – một bác sỹ nhi người Anh & một nhà phân tích tâm lý, việc chúng ta mắc sai lầm không hẳn sẽ làm tổn hại tới các con của chúng ta, một số sai lầm hoàn toàn cần thiết như một phần của cuộc sống. Ông gọi những sai lầm này là “sự đứt gãy” và việc điều chỉnh sự đứt gãy này là “sửa chữa”. Thay vì tránh các vết đứt gãy, ông khuyến khích các bà mẹ thực hiện sửa chữa thật thấu đáo. Điều các em bé cần không phải là một người mẹ hoàn hảo, mà là một người mẹ cho phép mình được mắc sai lầm, bao dung với bản thân và học hỏi từ những sai lầm ấy. Hãy chấp nhận rằng bạn đang làm hết sức và làm tốt nhất có thể cho con cái và gia đình. Không có một hình mẫu hoàn hảo nào trong việc làm mẹ, bởi mỗi đứa trẻ là duy nhất và mỗi bà mẹ cũng vậy. Bạn là một người mẹ đủ tốt với em bé của mình, và còn hơn thế !
Nhận diện những tiếng nói chỉ trích bên trong: Sẽ thật tốt khi bạn nhận thấy mình vừa làm một điều gì đó chưa hợp lý và lập tức tìm giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, mọi việc thường không diễn biến đơn giản như vậy. Tiếng nói chỉ trích nội tâm sẽ xen vào giữa, khiến bạn tê liệt & cảm thấy bất lực. Ví dụ về tiếng nói chỉ trích bên trong là “Tôi là một người mẹ tồi khi không thể sẵn sàng chơi cùng con khi con yêu cầu.” Hãy chú ý nhận diện những tiếng nói chỉ trích bên trong bạn, viết chúng xuống nếu thấy cần thiết. Hít thở một vài hơi thở sâu và hồi đáp lại chúng bằng một tuyên bố hợp lý hơn hoặc một lời khẳng định tích cực dành cho bản thân. “Tôi biết không phải lúc nào tôi cũng có mặt để chơi với con, nhưng tôi có thể dành những khoảng thời gian chất lượng để chơi với con mỗi ngày.”
Soi chiếu lại các giá trị cốt lõi của bạn : Việc soi chiếu lại những giá trị cốt lõi của bản thân sẽ giúp bạn định hình lại về bản thân như một “người mẹ đủ tốt”. Amy Webb, một nhà văn chuyên viết về nuôi dạy con cái cho rằng : “Nếu một người mẹ cảm thấy rất vững chắc về những giá trị đích thực của mình liên quan đến một số lựa chọn nuôi dạy con cái, thì cô ấy có thể tự tin đưa ra lựa chọn và không cảm thấy tội lỗi.” Bất kể người khác hay những suy nghĩ tiêu cực trong đầu khiến bạn cảm thấy thế nào, việc tuân thủ các giá trị của bạn có thể bảo vệ sức khỏe tinh thần của bạn. Bạn có thể không cảm thấy tội lỗi khi biết mình đang làm theo những gì mình tin tưởng. Bạn có thể khám phá thêm tại đây.
Ưu tiên chăm sóc bản thân: Khi thể chất và tinh thần được chăm sóc tốt, những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực cũng sẽ suy giảm mức độ ảnh hưởng. Đủ giấc ngủ, ăn uống lành mạnh, thực hiện các hoạt động thư giãn như yoga, thiền định hoặc spa. Tạo không gian và thời gian dành riêng cho bản thân để thực hiện những hoạt động mà bạn yêu thích và mang lại niềm vui cho mình, ví dụ như đọc sách, nghe nhạc, tập thể dục hay thực hiện các hoạt động sáng tạo.
Ngừng so sánh: Dừng việc so sánh bản thân với những người mẹ khác. Mỗi gia đình và mỗi người mẹ có những hoàn cảnh và điều kiện riêng. Hãy tập trung vào những điều tích cực và đặt mục tiêu phù hợp với gia đình của bạn. Tiếp cận với các nội dung trên mạng xã hội một cách có chọn lọc, ngừng theo dõi các « super moms » trên mạng xã hội nếu việc đó kích hoạt những so sánh và cảm giác tội lỗi trong bạn. “Sẽ luôn có người mà bạn nghĩ sẽ làm mọi việc tốt hơn và dễ dàng hơn. Hãy nhẹ nhàng với bản thân, tin tưởng vào quá trình và biết rằng bạn đang ở đúng nơi bạn cần đến.” (Ronda Thorington – Parent Coach)
Ghi nhận & tự thưởng cho bản thân: Hãy tạo thói quen ghi nhận và tự thưởng cho bản thân mỗi khi bạn đã làm tốt công việc nào đó, dù là nhỏ nhất. Điều này giúp tạo cảm giác tự động viên và đánh giá cao những nỗ lực của mình. "Mỗi người mẹ đều có những tháng ngày đầy những cảm giác tội lỗi. Nhưng tôi đã học được rằng, để nuôi dạy con cái của mình một cách tốt nhất có thể, chúng ta phải đánh giá cao bản thân mình và cố gắng tập trung vào những điều mình làm được thay vì những điều mình không làm được." (Jessica Alba)
Đặt ưu tiên và quản lý thời gian: Xác định những việc quan trọng và ưu tiên trong cuộc sống của bạn. Sử dụng các công cụ quản lý thời gian như lịch hàng ngày, danh sách công việc và hạn chế thời gian dành cho những hoạt động không quan trọng. Bằng cách làm như vậy, bạn có thể tạo ra sự cân bằng giữa việc chăm sóc con cái, gia đình và bản thân.
Yêu cầu sự trợ giúp: Đừng ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác. Hãy nhớ rằng không phải lúc nào cũng một mình đối mặt với các trách nhiệm và áp lực. Có thể nhờ gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp hỗ trợ trong việc chăm sóc con cái hoặc thực hiện những công việc khác. Nếu gặp khó khăn trong việc đối diện với những cảm xúc tội lỗi khi làm mẹ, bạn hãy tìm tới những chuyên gia khai vấn, tham vấn tâm lý để được hỗ trợ. Đó là sự quan tâm và chăm sóc xứng đáng bạn dành cho bản thân.
Tạo mạng lưới hỗ trợ: Tham gia các nhóm hỗ trợ cho các bà mẹ sau sinh, chia sẻ những trải nghiệm, cảm xúc và nhận được sự khích lệ từ những người cùng cảnh ngộ sẽ giúp bạn cảm thấy không đơn độc và gia tăng sự tự tin. Mom Village – ngôi làng của những người mẹ do tôi và
đồng sáng lập sẽ luôn mở rộng cửa chào đón bạn với bầu không khí an toàn, thấu cảm và tích cực. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy cần được lắng nghe, chia sẻ những tâm tư không biết nói cùng ai, bạn có thể ghé thăm khu vườn bí mật hoặc gặp Dương & Chi ở Tiệm trà của những người mẹ nhé!Tạo không gian cho tình yêu và kỷ niệm: Hãy dành thời gian để tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ với gia đình. Đó có thể là những buổi dạo chơi ngoài trời, hoặc đơn giản chỉ là việc chơi cùng con trong những khoảnh khắc thú vị, ghi chép nhật ký hoặc tạo album ảnh kỷ niệm cho con… Tạo ra không gian để thể hiện tình yêu và sự quan tâm đối với con cái sẽ giúp bạn cảm thấy hài lòng và giảm bớt cảm giác tội lỗi. Và hơn hết, bạn xứng đáng được tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý bên con cái và tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống gia đình.
Phía sau cảm giác tội lỗi khi làm mẹ là sự hiện diện tình yêu và sự quan tâm lớn lao bạn dành cho con. Và tình yêu thì luôn có cách. Hãy tin tưởng vào trái tim và trực giác của người mẹ bên trong bạn. Khi bạn thực sự kết nối với tình yêu thương và làm đầy chính mình bằng lòng tự trọng, bạn sẽ thấy mình có thể ôm ấp những cảm giác tội lỗi ấy như một người mẹ đầy bao dung, và đi qua nó mỗi lúc một nhẹ nhõm hơn. Vượt qua cảm giác tội lỗi khi làm mẹ không phải là hành trình dễ dàng, nhưng hãy tin rằng trong bạn luôn có sẵn tình yêu, sức mạnh và sự bao dung để làm được điều đó!
Cảm giác tội lỗi chỉ là một phần của việc làm mẹ. Nó có nghĩa là bạn quan tâm, nhưng không có nghĩa là bạn đang làm điều gì sai. (Kate Hudson)
Nguồn tham khảo:
https://www.psychologytoday.com/us/blog/inviting-monkey-tea/202211/recovering-mom-guilt
https://www.healthline.com/health/parenting/mom-guilt
https://psychcentral.com/lib/the-pros-and-cons-of-mother-guilt#tips-to-cope
https://www.washingtonpost.com/parenting/2022/08/09/mom-guilt-self-compassion/
https://www.whattoexpect.com/family/7-ways-to-deal-with-mom-guilt