Chăm sóc em bé bên trong bằng trái tim người mẹ
MV#21: Bản năng chăm sóc và tình yêu vô điều kiện của một người mẹ chính là sức mạnh để bạn ôm ấp, vỗ về và chữa lành em bé bên trong bạn.
Những ngày mới sinh con đầu lòng, tôi luôn muốn ở bên cạnh con 24/7. Tôi có tâm lý giữ con, không muốn những người khác ngoài chồng bế ẵm hay chăm sóc con; luôn cảm thấy khó khăn khi tách rời con – ngay cả khi con đã ngủ và tôi cần nghỉ ngơi. Trong đầu tôi khi đó vẫn văng vẳng tiếng con khóc, thậm chí tôi còn lo không biết con có đang thở không, nên chốc lát lại phải chạy vào phòng kiểm tra một chút. Cảm giác không yên tâm khi bỏ con lại một mình với tôi gần như một nỗi ám ảnh. Một ngày, tôi chợt nhớ ngày bé, tôi thường xuyên ở nhà một mình chờ bố mẹ đi làm về. Tôi vẫn nhớ như in cảm giác hụt hẫng khi buổi sáng tỉnh dậy, gọi bố mẹ nhưng trong nhà chẳng còn ai, chỉ có gói xôi ăn sáng bố mẹ đã chuẩn bị sẵn trên bàn. Rồi một buổi trưa, tôi khóc mãi không chịu cho bố đi làm, bố dỗ không được đành gửi tôi sang nhà bà ngoại. Khi nhớ lại những kí ức đó, bụng tôi quặn lại, tôi lặng lẽ khóc – thương cảm cho nỗi cô đơn, buồn bã và nỗi sợ bị bỏ lại của em bé 4 tuổi trong tôi.
Việc mang thai và sinh con đã giúp tôi nhận ra và kết nối lại với em bé bên trong mình không chỉ một lần. Và nhiều người mẹ khác cũng vậy.
Em bé bên trong là ai ?
Theo John Bradshaw, tác giả cuốn sách “Chữa lành đứa trẻ bên trong bị tổn thương”, bên trong mỗi chúng ta luôn có một đứa trẻ chưa chịu trưởng thành. Đứa trẻ ấy rất non nớt, nhạy cảm & luôn khao khát được yêu thương. Ông khẳng định: “Do chức năng ngược của hệ thống gia đình mà khi còn nhỏ, nếu chúng ta không được hưởng tình yêu thương mà lẽ ra chúng ta phải có, đồng thời không được trải qua cảm giác được nương tựa hoàn toàn vào ai đó thì sẽ khiến nỗi buồn dần tích tụ trong lòng. Dù đã trở thành người lớn, nhưng việc tiếc thương cho nỗi buồn ấp ủ từ bé là điều rất quan trọng.”
Điều em bé bên trong cần chính là tình yêu & sự đồng cảm, một đôi tai biết lắng nghe và những lời công nhận rằng chỉ riêng sự tồn tại của mình thôi đã là đủ rồi. Thay vì phán xét “cậu thật trẻ con” hay ép buộc em bé ấy “im lặng đi” rồi tiếp tục đè nén những cảm xúc của mình; bạn hãy thử lắng nghe & trò chuyện với em bé ấy thật dịu dàng: “Thì ra cậu đã buồn đến vậy.”, “Thì ra cậu muốn có ai đó chơi cùng.”, “Thật tốt vì cậu đã nói ra nỗi lòng của mình”. Nhiều cảm xúc khác sẽ có thể tiếp tục tràn ra nhiều hơn, hãy kiên nhẫn lắng nghe tiếp, đón nhận và an ủi nỗi lòng của em bé ấy.
Ý nghĩa của việc kết nối với em bé bên trong khi làm mẹ
Ai trong chúng ta cũng có những tổn thương thời thơ ấu. Khi trưởng thành, chúng ta dường như quên chúng đi để thích nghi với gia đình và xã hội, nhưng thật ra chúng vẫn luôn ở đó. Khi mang thai và làm mẹ, những tổn thương quá khứ có cơ hội trỗi dậy và tác động trực tiếp tới em bé bên trong. Đây là một hiện tượng bình thường và có nhiều lý do cho việc này.
Cơ thể chúng ta là một kho báu chứa đầy ký ức. Những tổn thương cả về thể xác lẫn tinh thần có thể được ghi nhớ trên cơ thể lâu hơn chúng ta nghĩ. Bởi vậy, những thay đổi của cơ thể khi mang thai hoặc sinh con hoặc có những động chạm nhất định về thể xác như thăm khám từ bác sỹ, trải nghiệm sinh con… đều có thể gợi nhắc về những vết thương, những đau đớn đã từng trải qua. Việc thay đổi hormone đột ngột cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người mẹ, khiến chúng ta dễ cảm thấy lo âu, căng thẳng, buồn bã, tâm trạng lên xuống thất thường; tâm trí sẽ có xu hướng tìm kiếm những tình huống cảm xúc tương tự trong quá khứ. Bên cạnh đó, mỗi trải nghiệm khi nuôi con có thể khiến ta vô tình bắt gặp bản thân mình ngày bé, gợi lại trong ta những ký ức tuổi thơ.
Việc trở thành mẹ là một cơ hội tuyệt vời để đối diện và an ủi em bé bên trong. Ngược lại, kết nối với em bé bên trong cũng mang lại rất nhiều lợi ích cho chúng ta trên hành trình làm mẹ :
Đối diện với những tổn thương thời thơ ấu khi đã làm mẹ cho chúng ta cơ hội thấu hiểu và tha thứ cho cha mẹ của mình mà không nhất thiết phải hòa giải trực tiếp. Các bậc cha mẹ đều đã nỗ lực hết sức trong khả năng của mình, tất cả vì tình yêu với con cái. Chỉ là không có thước đo nào để biết cách họ thể hiện tình yêu là đủ và phù hợp với con cái. Mối quan hệ với cha mẹ của chúng ta, nhờ nhận biết này có thể được hàn gắn và trở nên kết nối sâu sắc hơn.
Khi cảm nhận và hiểu rõ hơn về bản thân mình, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được cảm xúc và nhu cầu của con cái, giúp cho con cái có được sự hỗ trợ và sự quan tâm cần thiết ; từ đó có thể xây dựng được môi trường an toàn tích cực cho sự phát triển của con cái, vừa có được sự chia tách lành mạnh cho con cái & cho chính mình.
Kết nối với em bé bên trong còn giúp chúng ta có được sự tự tin & bình an từ bên trong; bao dung với những va vấp của mình & yêu thương bản thân nhiều hơn; trở nên mạnh mẽ khi đối diện với những khó khăn trong việc chăm sóc con cái, giúp cho môi trường gia đình hạnh phúc và lành mạnh hơn.
Kết nối với em bé bên trong như thế nào ?
Kết nối với em bé bên trong là một hành trình dài không dễ dàng; đòi hỏi sự nhẫn nại, đồng cảm và rất nhiều yêu thương. Bất cứ khi nào trên hành trình làm mẹ, bạn trải qua những cảm xúc khó chịu, bối rối, bất lực giận dữ, hỗn loạn…; phía sau luôn có một nhu cầu nào đó của em bé bên trong đang cần được bạn chăm sóc.
Hãy dành cho mình một khoảng thời gian tĩnh lặng, nhắm mắt, hít thở thật sâu, nhớ lại những năm tháng ấu thơ. Tái hiện lại trong tâm trí một ký ức khiến bạn cảm thấy buồn bã hoặc đau đớn nhất: Khung cảnh xung quanh như thế nào? Bạn đã ở cùng ai và đã nghe thấy những gì? Có chuyện gì đã xảy ra?
Hãy hình dung bạn của hiện tại đang “bước” vào không gian ký ức đó, quan sát em bé bên trong bạn, và tự trả lời những câu hỏi dưới đây (sẽ tốt hơn nếu bạn có thể viết lại những câu trả lời của mình):
Cảm xúc của tôi khi đó như thế nào?
Tôi đã mong muốn điều gì khi ấy? Tôi đã không được thỏa mãn điều gì ?
Tôi muốn nghe những lời nói nào khi ấy?
Tôi của khi ấy muốn nói điều gì với tôi ở hiện tại?
Nếu gặp lại mình khi ấy, tôi muốn nói gì/làm gì với bản thân?
Bạn cảm thấy thế nào khi trả lời những câu hỏi này? Hãy quan sát & ghi nhận những cảm xúc/cảm giác trên cơ thể bạn mà không phán xét ; cho phép mình được khóc nếu muốn để những cảm xúc ấy được thoát ra. Bạn cũng không cần phải trả lời hết toàn bộ câu hỏi cùng một lúc, câu trả lời sẽ đến vào thời điểm thích hợp, chỉ cần bạn luôn mở lòng lắng nghe.
Nếu bạn từng trải qua những sang chấn tuổi thơ nặng nề mà việc đối diện với chúng khiến bạn trở nên sợ hãi, căng thẳng tột độ và liên tục có những suy nghĩ tiêu cực; hãy tìm kiếm sự trợ giúp bên ngoài từ ai đó bạn tin tưởng, những chuyên gia tư vấn tâm lý, khai vấn, chữa lành… Không sao cả nếu bạn cảm thấy không ổn, không sao cả nếu bạn cần yêu cầu giúp đỡ. Bạn xứng đáng được lắng nghe và chăm sóc! Bạn xứng đáng được yêu thương!
Mang thai và sinh con là khoảng thời gian đặc biệt quan trọng để kết nối lại với em bé bên trong. Bản năng chăm sóc và tình yêu vô điều kiện của một người mẹ chính là sức mạnh để bạn ôm ấp, vỗ về và chữa lành cho em bé bên trong bạn. Đó cũng chính là cách bạn nuôi dưỡng chính mình khi làm mẹ!