5 cách giúp người mẹ mới vượt qua “cơn lốc” tam cá nguyệt thứ tư
MV#18: Hiểu rõ tầm quan trọng của tam cá nguyệt thứ tư và những nhu cầu cơ bản của một người mẹ mới.
Công cuộc sinh nở của người mẹ không gói gọn trong 3 tam cá nguyệt thai kỳ và thời khắc lâm bồn. Ngay khi em bé chào đời, mẹ và con cùng bước vào một “cơn lốc” mới gọi là tam cá nguyệt thứ tư.
Tam cá nguyệt thứ tư là gì?
Khái niệm tam cá nguyệt thứ tư được phổ biến bởi Tiến sĩ Harvey Karp, bác sĩ nhi khoa nổi tiếng tại Mỹ. Đó là khoảng thời gian 12 tuần ngay sau khi sinh, là giai đoạn chuyển tiếp để em bé thích nghi với thế giới bên ngoài và người mẹ thích nghi với em bé cũng như vai trò mới của mình.
Không phải tất cả mọi người đều nghe về tam cá nguyệt thứ tư, nhưng mọi bà mẹ và em bé sơ sinh đều trải qua nó. Chúng ta thường quan tâm đến việc em bé bắt đầu làm quen với môi trường bên ngoài bào thai khó khăn như thế nào, nhưng không nhiều người chú ý rằng người mẹ cũng “non nớt” y như vậy trong vai trò mới của mình. Người mẹ thường bị bỏ lại để tự mình xoay xở với hàng loạt câu hỏi và rất ít thông tin hỗ trợ. Đây là một giai đoạn vô cùng quan trọng nhưng thường xuyên bị bỏ qua.
Tầm quan trọng của tam cá nguyệt thứ tư
Tam cá nguyệt thứ tư là khoảng thời gian diễn ra sự thay đổi choáng ngợp về thể chất và tinh thần đối với cả mẹ và em bé.
12 tuần đầu tiên của cuộc sống bên ngoài bào thai ấm áp quen thuộc thực sự là một thử thách đối với em bé sơ sinh nhưng cũng là giai đoạn bé phát triển với tốc độ thần tốc. Em bé sẽ bắt đầu phải học nhiều thứ để có thể tự điều chỉnh phù hợp với điều kiện môi trường bên ngoài, bao gồm âm thanh, ánh sáng, mùi hương, cảnh vật và những cảm giác vô cùng mới lạ. Mối gắn kết thân mật, sự chăm sóc, tình yêu & năng lượng bình an của mẹ sẽ giúp em bé cảm thấy an toàn và thích nghi dễ dàng hơn.
Đối với người mẹ, tam cá nguyệt thứ tư là giai đoạn nhạy cảm và dễ bị tổn thương nhất. Mọi thứ ập đến với cô ấy như một “cơn lốc”: cơ thể một lần nữa tái cấu trúc, cảm xúc lên xuống thất thường, cảm nhận mới mẻ với em bé cùng những áp lực của vai trò mới… Đó chính là lời mời gọi để người mẹ chậm lai, học cách tự chăm sóc mình, tái tạo năng lượng, cân bằng lại các khía cạnh thể chất, cảm xúc, tâm trí và tinh thần (well-being) của bản thân. Đây cũng là giai đoạn chuyển đổi kỳ diệu trong cuộc đời mỗi người phụ nữ; giúp họ quay về bên trong, kết nối & khám phá những điều bí ẩn mới mẻ của bản thân; từ đó kiến tạo một phiên bản tốt đẹp hơn của chính mình.
Một người mẹ mới được chăm sóc, hỗ trợ và biết cách tự nuôi dưỡng bản thân sẽ có thể nuôi dưỡng những em bé khỏe mạnh và hạnh phúc.
“Giống như các em bé cần được chăm sóc và quan tâm trong tam cá nguyệt thứ tư, các bà mẹ cũng vậy.”
5 nhu cầu cơ bản của người mẹ mới sinh
Thấu hiểu những nhu cầu của bản thân là cách để người mẹ mới vượt qua “cơn lốc” tam cá nguyệt thứ 4; đồng thời chủ động yêu cầu hỗ trợ từ những người xung quanh kịp thời. Theo Kymberly Ann Johnson – chuyên gia chăm sóc bà mẹ sau sinh, những người mẹ mới sinh thường có năm nhu cầu cơ bản sau đây:
Một khoảng thời gian nghỉ ngơi tương đối dài
Ở các quốc gia trên thế giới, thời gian nghỉ ngơi hoàn toàn cho các bà mẹ mới sinh thường là 20 đến 60 ngày, trung bình là 40 ngày sau sinh. Tại Việt Nam, giai đoạn này thường được gọi là thời gian “nằm ổ” hay “ở cữ”. Người mẹ được “ẩn mình” trong “tổ” để nghỉ ngơi, được người thân trợ giúp để giảm thiểu tối đa những việc cần làm như các công việc nhà hoặc một vài việc chăm sóc em bé.
Thời gian này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp phụ nữ phục hồi sức khỏe nhanh chóng và phòng tránh được các bệnh tật về lâu dài. Chính vì vậy, bên cạnh việc ưu tiên nghỉ ngơi bất cứ khi nào có thể, hãy tham gia kỳ tái khám sau sinh (thường vào mốc 6 tuần) để được kiểm tra & chăm sóc sức khỏe toàn diện nhé!
Thức ăn bổ dưỡng
Người mẹ mới sinh cần những thực phẩm đặc biệt để đáp ứng các nhu cầu của cơ thể: làm sạch dạ con, loại bỏ sản dịch còn sót lại, phục hồi sinh lực và tạo nguồn sữa dồi dào, mát lành cho em bé. Cơ thể cũng trở nên nhạy cảm với nhiệt độ thấp và gió nên cần được ăn uống đồ ấm và thêm vào các loại gia vị có tính nhiệt. Thực phẩm dành cho những người mẹ mới sinh có điểm chung là luôn ấm áp, dễ tiêu hóa, giàu khoáng chất và đậm đặc collagen.
Bạn có thể lên trước thực đơn các bữa ăn với những thực phẩm đa dạng, lành mạnh & đầy đủ chất dinh dưỡng; nhờ người thân trợ giúp việc nấu nướng trong những ngày đầu. Và quan trọng là, hãy sắp xếp để có thể thưởng thức chúng một cách ngon miệng, thảnh thơi thay vì phải tranh thủ, vội vàng để quay lại với em bé của bạn.
Chăm sóc, nâng niu cơ thể
Trong giai đoạn này, cơ thể người mẹ tiếp tục thay đổi hình dạng. Các cơ quan nội tạng dần trở về vị trí ban đầu và phục hồi chức năng tối ưu; cân nặng thay đổi, các hoóc-môn điều chỉnh trở lại mức cân bằng; khiến cho không ít mẹ cảm thấy bối rối & tự ti. Thay vì cố gắng lấy lại vóc dáng càng nhanh càng tốt, hãy cho cơ thể thời gian để phục hồi và chữa lành chính nó.
Một số phương pháp chăm sóc cơ thể trong giai đoạn phục hồi này là: vật lý trị liệu, mát-xa lưu thông khí huyết, tắm/xông hơi thảo dược. Bên cạnh đó, hãy lắng nghe nhịp độ cơ thể để lựa chọn những hình thức vận động phù hợp. Bạn có thể bắt đầu với việc luyện thở, chuyển động nhẹ nhàng, sau đó là các bài tập phục hồi cơ sàn chậu.
Sự hiện diện của những người phụ nữ hiểu biết và đồng cảm về mặt tinh thần
Thời gian sau sinh được coi trọng như một giai đoạn mong manh và tế nhị cả về mặt thể chất và tinh thần dành cho người mẹ. Bởi vậy, các mẹ sau sinh thường được chăm sóc bởi những người phụ nữ ở nhiều độ tuổi khác nhau, với những hiểu biết và kinh nghiệm cá nhân trong việc nuôi con sữa mẹ, chăm sóc cơ thể sau sinh, những thực phẩm nên ăn và những hành động nên tránh, đối diện với những cảm xúc thất thường và những suy nghĩ lo lắng như thế nào…
Luôn nhớ rằng bạn không hề cô đơn! Hãy chia sẻ nhu cầu của bạn một cách rõ ràng, chân thành với những người phụ nữ bạn tin tưởng; mở lòng đón nhận sự giúp đỡ của họ trong việc chăm lo nhà cửa, chăm sóc em bé, và che chở cho chính bạn trong những ngày đầu làm mẹ đầy bỡ ngỡ này.
Kết nối với tự nhiên
Kết nối với thiên nhiên cho phép bạn tận hưởng & cảm nhận những sự chuyển đổi chậm rãi trong khoảng thời gian này – không thúc ép, không vội vàng. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu khoa học, ánh nắng mặt trời giúp thúc đẩy sản sinh serotonin – một loại hormone điều hòa tâm trạng, có khả năng điều hòa giấc ngủ & hệ tiêu hóa; cung cấp năng lượng; giúp bạn giữ bình tĩnh, tích cực và tập trung.
Trong những ngày “nẳm ổ”, bạn có thể sắp xếp một số hoạt động chăm sóc em bé ở gần cửa sổ để ngắm nhìn không gian thiên nhiên bên ngoài, tắm hoặc xông hơi bằng các loại lá thảo dược, cắm thêm một bình hoa cho thêm phần tươi mới. Khi thời tiết và cơ thể cho phép, hãy mặc áo ấm và ra ngoài đi dạo, hít thở nhẹ nhàng, thư giãn và cảm nhận năng lượng sống dồi dào xung quanh bạn.
Kết lại, tam cá nguyệt thứ tư cần được xem là giai đoạn quan trọng trong tiến trình phục hồi của mỗi người mẹ mới.
“Khi giai đoạn này bị bỏ qua và không được chú ý tới, người phụ nữ sẽ cô đơn & cô lập rồi trở nên nhạy cảm với bệnh tật. Ngược lại, người phụ nữ sẽ thực sự cảm thấy được ôm ấp, che chở bởi trí tuệ và sự hiện diện của cả cộng đồng quanh mình.” (Kimberly Ann Johnson)
Đích đến của hành trình mang thai và sinh nở không chỉ là em bé chào đời an toàn khỏe mạnh, mà còn là một người mẹ hạnh phúc và vững vàng từ bên trong. Vì vậy, hãy suy nghĩ nghiêm túc về việc chuẩn bị một kế hoạch “nằm ổ” kỹ càng cho tam cá nguyệt cuối cùng này nhé!
Bạn thân mến,
Một cộng đồng những người phụ nữ có kinh nghiệm & đồng cảm về tinh thần giống như một “tấm lá chắn” an toàn cho những người mẹ mới, khi họ ở trong giai đoạn mới mẻ và dễ bị tổn thương nhất. Thấm thía điều này, Dương cùng cộng sự
đã cùng nhau xây dựng một cộng đồng dành cho những người mẹ mới với tên gọi Mom Village. Đây là một không gian trong lành, tích cực và ấm áp; nơi những người mẹ có thể gặp gỡ, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau; để không người mẹ nào cảm thấy cô đơn hay bị bỏ lại trên hành trình kỳ diệu này.Mom Village là nơi dành cho bạn - những người mẹ mới, đang mang thai hay vừa sinh con, có thể tìm đến để được lắng nghe, được chia sẻ, được vỗ về bằng những bàn tay ấm êm. Mom Village cũng chào đón bạn, những người mẹ đã có kinh nghiệm quay về giúp đỡ và dang rộng vòng tay nuôi dưỡng những người mẹ mới, bởi không ai thấu hiểu một người mẹ bằng những người mẹ khác.
Vì thế, dù bạn ở đâu trên hành trình làm mẹ, hãy mang đến đây những cây non, những hạt giống, những viên gạch hồng để cùng chúng tôi chung tay xây dựng ngôi làng dành cho những người mẹ.
Cảm ơn bạn rất nhiều!
------------
Tài liệu tham khảo:
https://www.pregnancybirthbaby.org.au/news/what-is-the-fourth-trimester
https://www.cuimc.columbia.edu/news/mothers-guide-fourth-trimes
https://www.health.harvard.edu/blog/the-fourth-trimester-what-you-should-know
https://www.healthline.com/health/pregnancy/4th-trimester
“Suối nguồn tươi trẻ cho mẹ sau sinh” - Tác giả: Kimberly Ann Johnson